Thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa đang được các tỉnh triển khai rộng rãi.
Tại tỉnh Kiên Giang, để có nguồn nước tưới cho hàng ngàn hécta lúa bị khô hạn, thời gian qua, nông dân trong tỉnh khoan hàng trăm giếng nước ngầm và tận dụng tất cả nguồn nước ngọt dự trữ trong các ao hồ bơm tưới cho cây lúa. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ đáp ứng đủ nguồn nước cho các cánh đồng gần, còn với các cánh đồng sâu, thì vẫn đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Do nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sớm nên hiện nay, tại vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang có hàng ngàn ha lúa lấp vụ hè thu và lúa đông xuân bị khô hạn vì thiếu nước tưới; trong đó có gần 2.000 ha có nguy cơ bị mất mùa hoặc mất trắng.
** Tại tỉnh Điện Biên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp sử dụng nước tiết kiệm; tích cực tích nước tại các hồ thuỷ lợi, nhằm chuẩn bị chống chọi với một năm sản xuất được dự báo khô hạn do khí hậu có nhiều chuyển biến bất thường...
Hiện nay, Công ty Quản lý thuỷ nông Điện Biên đang điều tiết mở nước tại các hồ chứa theo từng thời điểm thích hợp để chống thất thoát nước. Bên cạnh đó, công ty đảm bảo đưa nước đến tận chân ruộng, cung cấp đủ nước sản xuất.
** Vụ Đông Xuân 2010, tỉnh Hà Giang gieo cấy 10.051 ha lúa và cây màu. Đến ngày 12/1 đã có 5.428,9 ha lúa và cây vụ xuân trên địa bàn không đủ nước tưới. Các huyện có diện tích bị khô hạn lớn là Quang Bình: 800 ha, Bắc Quang: 750 ha, Vị Xuyên: 700 ha, Bắc Mê: 600 ha…
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Hà Giang sử dụng máy bơm dầu để cứu những diện tích lúa đã cấy và chuyển một phần diện tích lúa sang trồng cây khác. Đồng thời nạo vét các hồ đập, kênh mương thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, với khối lượng nạo vét dự kiến hơn 400.000 m3, cần kinh phí hơn 30 tỷ đồng.
** Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các xã ra quân làm thủy lợi, cung ứng sử dụng xi-măng sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương, mua nhiên liệu máy bơm phục vụ công tác chống hạn. Đến nay, các huyện Văn Quan, Tràng Định, Lộc Bình… đã huy động hơn 12.000 ngày công nạo vét kênh mương thủy lợi… Các hộ nông dân còn tự huy động hơn 21.000 máy bơm các loại chống hạn. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được hơn 3.200 ha cây trồng vụ đông, đạt 75% tổng diện tích.
** Tại tỉnh Bắc Ninh, theo dự kiến, các huyện sẽ lấy nước đổ ải từ 20/1 và cấy từ 4/2 với tổng diện tích gieo cấy 36.000 ha, cơ cấu 95% diện tích trà xuân muộn. Tuy nhiên từ đầu tháng 1 đến nay do sông cạn, các trạm bơm Trịnh Xá và Như Quỳnh đều không thể bơm được, các trạm dọc sông Cầu, sông Đuống cũng không lấy được nước. Vào ban ngày chỉ 1/3 số máy là hút được nước.
** Ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình chỉ đạo chặt chẽ các Công ty khai thác thủy nông tranh thủ những đợt xả nước của hồ Thác Bà để lấy nước tích trữ vào các ao, hồ, trục sông, thùng đào, thùng đấu; thực hiện tưới tiết kiệm nước, không để rò rỉ; tận dụng tối đa thời gian mở công lấy nước, bảo đảm nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa vụ đông xuân và hơn 1.000 ha cây trồng vụ đông; đồng thời chủ động nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các vùng núi, vùng bán sơn địa. Toàn tỉnh đã đào đắp được hơn 500.000 m3 đất bờ vùng, bờ thửa, nạo vét được 855m3 kênh mương; xây dựng lắp đặt gần 17.000 cống, trạm bơm.
** Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung nâng cao năng lực cho hệ thống thủy lợi, dành hàng trăm tỷ đồng kiên cố hóa 261,82 km kênh mương, xây dựng hệ thống hồ đập tích trữ nước hơn 150 triệu m3. Tỉnh đã xây dựng xong hệ thống bản đồ tưới và hỗ trợ 100% thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh có 75/89 HTX, tổ hợp tác, tổ thủy nông đã bàn giao xong các công trình thủy lợi về các Công ty khai thác công trình thủy lợi với tổng diện tích tưới 15.000 ha cho cả ba vụ.
** Rút kinh nghiệm từ đợt rét năm 2008 làm hơn 1.000 con trâu bò chết, ngay từ đầu mùa đông năm nay, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn chủ động hướng dẫn người dân tích trữ rơm, rạ khô, tích cực chăm sóc diện tích cỏ trồng, lá cây rừng… làm thức ăn cho gia súc trong mùa rét. Đồng thời, chuẩn bị thức ăn tinh như: cám ngô, cám gạo, bột sắn và cho gia súc uống nước ấm pha muối loãng khi thời tiết rét đậm, rét hại xảy ra, nhằm tăng sức đề kháng, chống bệnh tật cho gia súc; vận động nhân dân che chắn chuồng trại để tránh gió./.
Theo vovnews.vn.