Cập nhật: 09/02/2010 22:00:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh khác liên quan đến hô hấp. Thuốc lá không chỉ có hại cho người hút mà có hại cho cả những người xung quanh hay còn gọi là những người hút thuốc thụ động.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ người không hút thuốc lá và cả người hút thuốc lá là việc xây dựng các khu vực không có khói thuốc.

 

Mỗi ngày, Việt Nam có hơn 100 nguời chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao gấp 2,5 lần số cả tử vong vì tai nạn giao thông.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng , một nửa những người nghiện thuốc lá hiện nay trong tổng số 1,3 tỷ người hút thuốc sẽ bị chết sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc. Đáng báo động hơn là hàng trăm ngàn người chưa bao giờ hút thuốc vẫn phải chết mỗi năm vì những bệnh do hít phải khói thuốc của người khác.

 

Tại lễ phát động Chiến dịch truyền thông quốc gia về kiểm soát thuốc lá nhằm kêu gọi thực hiện Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/08/2009 về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Sử dụng thuốc lá hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới và gây ra hơn năm triệu ca tử vong mỗi năm – tương đương với 1/10 tổng số ca tử vong có thể phòng tránh được mỗi năm trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, sử dụng thuốc lá giết chết gần 40.000 người mỗi năm. 50% đàn ông Việt Nam là người hút thuốc, và khoảng 2/3 trẻ em và phụ nữ thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và tại các địa điểm công cộng.

 

“Tỷ lệ hút thuốc lá trong khi đang có xu hướng giảm tại các nước phát triển thì lại gia tăng tại các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Với tỷ lệ nam giới hút thuốc là 56%. Điều đáng lo ngại hơn là tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên đang ngày tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc cũng sớm hơn. Đây là một nguy cơ đáng báo động, góp phần làm tăng cao tỷ lệ mắc và chết do sử dụng thuốc lá, thuốc lào trong những thập kỷ tới” - Thứ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ.

 

Theo TS. Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, một trong những vấn đề nghiêm trọng của phần lớn những người không hút thuốc trong xã hội Việt Nam là chịu đựng với việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động trong im lặng. Sự chấp nhận của xã hội đối với hành vi hút thuốc cũng như phơi nhiễm với khói thuốc thụ động là một trong những thách thức cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. Hút thuốc lá đã trở thành thói quen của nam giới, khiến cho phụ nữ và trẻ em và những người không hút thuốc trở thành nạn nhân của việc phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Bởi vậy, cần có những hành động khẩn cấp thay đổi thói quen, quan điểm để làm giảm sự chấp nhận của xã hội đối với hành vi hút thuốc.

 

Đặc biệt, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Quỳnh Nga, chuyên gia WHO tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, lợi ích của môi trường không khói thuốc sẽ đảm bảo quyền của mọi người được hít thở bầu không khí trong lành, bảo vệ người lao động và cộng đồng khỏi tác hại nguy hiểm của khói thuốc. Đồng thời góp phần trong việc ngăn chặn hành vi thử hút thuốc lá, giúp những người chưa hút, đặc biệt là thanh thiếu niên không bắt đầu hút thuốc. Thực tế đã chứng minh rằng, hầu hết các cộng đồng hay quốc gia thành công trong giảm thiểu hút thuốc đều đã thực hiện chính sách không khói thuốc lá mạnh mẽ tại nơi làm việc và nơi công cộng. Thanh thiếu niên càng có ít cơ hội chứng kiến hành vi hút thuốc của người lớn thì càng khó chấp nhận hành vi hút thuốc, và khả năng hút thuốc ở thanh thiếu niên càng giảm đi.

 

Bên cạnh đó, môi trường không khói thuốc cũng hỗ trợ tích cực, giúp những người hút thuốc giảm số lượng điếu hút và tăng thêm quyết tâm cai nghiện thuốc lá. Đồng thời, nó cũng xây dựng một hình ảnh văn minh, thanh lịch cho cơ quan, nơi làm việc và cho cả xã hội…

 

Nhân rộng các mô hình thực hiện tốt môi trường không khói thuốc

 

Trường Đại học không khói thuốc: Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, Bí thư đoàn thanh niên Trường Đại học Y tế Công cộng (YTCC), Hà Nội cho biết: từ năm 2004, Trường Đại học YTCC là một trong những trường đại học thực hiện không khói thuốc đầu tiên trên cả nước. Sau 2 năm thực hiện, trường đã tự tiến hành một cuộc khảo sát trong nội bộ trường, kết quả cho thấy, hiện tượng hút thuốc lá ở trong trường theo ý kiến của các đối tượng phỏng vấn đã giảm hẳn. Nghiên cứu định tính trên các đối tượng có hút thuốc và không hút thuốc đều cho biết, mọi người đã có ý thức hơn nhiều với việc hút thuốc trong trường. Đồng thời, từ nhiững bài học kinh nghiệm từ trường Đại học YTCC, các biện pháp được cho là có hiệu quả trong thực hiện mô hình là đề ra luật cấm hút thuốc và chế tài xử phạt, hoạt động của đội thanh niên xung kích, câu lạc bộ “Nói không với thuốc lá”, các biển báo “Ngôi trường không khói thuốc”, các quy định cấm hút thuốc được treo ở trong khuôn viên trường và khu vực giảng đường. Trong đó, việc quy định phạt nếu hút thuốc lá trong trường được cho là có hiệu quả nhất, từ khi có quy định này, hiện tượng hút thuốc trong trường đã giảm hẳn.

 

Bên cạnh đó, trường cũng đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. Và chính những thành tích này, truờng đã được WHO khu vực châu Á - Thá Bình Dương trao tặng kỉ niệm chương ghi nhận những thành tích xuất sắc của trường trong phòng chống tác hại thuốc lá.

 

Bệnh viện không khói thuốc: Theo BS Nguyễn Bích Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Thanh Nhàn: Trước khi Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/08/2009 về việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 thì trước đó, ngay từ tháng 5/2005, Công đoàn Bệnh viện Thanh Nhà đã phát động cán bộ viên chức trong bệnh viện hưởng ứng phong trao xây dựng Bệnh viện không khói thuốc. Phong trào có đựợc sự ủng hộ và giúp đỡ từ phía Ban Giám đốc, Đảng uỷ và Đoàn thanh niên của bệnh viện. Nội quy và hướng dẫn thực hiện quy định cấm hút thuốc trong bệnh viện đã được phổ biến đến tất cả các cán bộ viên chức, bệnh nhân và người nhà bệnh nhận. Các khoa phòng, khu khám bệnh và khu điều trị đều được gắn biển cấm hút thuốc to và dễ thấy.

 

Đồng thời, cán bộ y tế được yêu cầu nhắc nhở các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nếu vi phạm nội quy cấm hút thuốc. Ngoài ra, các khu vực căng tin trong bệnh viện đều phải ký cam kết không bán thuốc lá. Đặc biệt, Công đoàn Bệnh viện đã đưa việc xây dựng khoa phòng không hút thuốc vào tiêu chuẩn chấm điểm thi đua và đưa cam kết không hút thuốc trong ký hợp đồng làm việc với các lao động mới.

 

BS Ngọc cũng cho biết, kinh nghiệm trong việc xây dựng bệnh viện không khói thuốc của Bệnh viện Thanh Nhàn đã cho thấy, sự quyết tâm của lãnh đạo các cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện thành công xây dựng môi trường không khói thuốc.

Công sở không khói thuốc: Chị Nguyễn Thu Hương, cán bộ dự án Uỷ Ban phòng chống Tác hại thuốc lá quốc gia (VINACOSH) cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai môi trường không khói thuốc từ đầu năm 2007. Tổng Liên đoàn đã thành lập ban chỉ đạo Chương trình Phòng chống tác hại của thuốc lá do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm trưởng ban chỉ đạo, cùng các thành viên là lãnh đạo các phòng ban.

 

Hiện tại, ở tất cả các phòng làm việc và trong khuôn viên Tổng Liên đoàn đều gắn biển báo cấm hút thuốc, các vật dụng liên quan đến hút thuốc như gạt tàn, bật lửa đều đã được loại bỏ, không có hiện tượng cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc. Tổng Liên đoàn cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Công đoàn các Bộ, và Liên đoàn lao động các tỉnh thành phố trên cả nước thực thi nghiêm chính sách môi trường không khói thuốc và quy định cấm hút thuốc nơi làm việc; đưa tiêu chuẩn “Không hút thuốc lá nơi làm việc” vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, coi đây là một tiêu chí thi đua trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, đảm bảo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp…/.

 

 

Theo Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm