Cập nhật: 12/02/2010 19:15:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa cón buổi chủ trì hội nghị bàn biện pháp khẩn cấp đối phó tình hình nắng nóng và sâu bệnh trên lúa các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đến thời điểm này ĐBSH đã cấy đạt gần 40% diện tích. Năm nay đất lúa được ải, nguồn nước dồi dào thuận tiện gieo cấy lúa xuân. Tuy nhiên thời tiết nắng nóng nên lúa bén rễ hồi xanh và sinh trưởng nhanh làm diện tích xuân sớm cấy trước 15/1 và xuân muộn cấy trước 31/1 có thể sẽ trỗ sớm vào nửa cuối tháng 4/2010 dễ gặp rét gây lép hạt, giảm năng suất lúa. GĐ Trung tâm Dự báo KTTV TƯ Bùi Minh Tăng dự báo, từ 20 ngày cuối tháng 2 đến hết tháng 4/2010 nền nhiệt độ tiếp tục ở mức cao hơn so TBNN, có nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng sớm ngay từ tháng 3. Cần tiếp tục đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn và nắng nóng ở Bắc bộ…

 

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương cấy diện tích lúa xuân sớm (bằng giống dài ngày) cần tập trung chăm sóc bón thúc sớm và bón phân cân đối để lúa đẻ nhánh tập trung, cứng cây, hạn chế bệnh đạo ôn phát triển. Đối với diện tích lúa chưa cấy phải áp dụng các biện pháp hãm mạ, giữ nước, lùi thời vụ gieo cấy sau Tết. Thời vụ cấy xuân muộn có thể kéo dài đến 5/3/2010.

 

Phó Cục trưởng Cục BVTV Bùi Sỹ Doanh cho biết, qua kiểm tra lấy mẫu mạ gieo ở một số tỉnh ĐBSH cho thấy các mẫu đều âm tính với virus lùn sọc đen (LSĐ). Thế nhưng virus này vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên lúa xuân, các tỉnh cần trang bị thêm hệ thống bẫy đèn để phát hiện, phòng trừ kịp thời.

 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đảm bảo vụ lúa ĐX 2009 - 2010 ở miền Bắc thắng lợi, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng trừ sâu bệnh và đối phó với nắng nóng kéo dài. Đề nghị các địa phương thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa và sự phát sinh gây hại của sâu bệnh để có biện pháp xử lí kịp thời, hiệu quả. Ngay sau cuộc họp này Bộ NN-PTNT sẽ có Chỉ thị đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng ra Công điện yêu cầu các tỉnh thực hiện nghiêm túc việc này.

 

Tuy nhiên, Viện BVTV lại đưa ra kết quả đáng quan ngại là, hầu hết các mẫu lúa chét thu được từ 17 tỉnh miền Bắc đều có triệu chứng điển hình của bệnh LSĐ. Theo dự báo, nếu thời tiết ấm kéo dài thì lúa sẽ hồi xanh sớm, tạo điều kiện cho rầy lưng trắng phát sinh, phát triển với mật độ cao, là môi giới truyền bệnh LSĐ. PGĐ Sở NN-PTNT Hải Dương, ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho biết, bệnh LSĐ xuất hiện trên đám ruộng mới cấy (300m2) của 2 hộ dân ở Ninh Giang, đã được tiêu huỷ triệt để. Năm nay tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống virus LSĐ hại lúa, đã quyết định chi 500 triệu cho công tác này.

 

PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Trượng cho rằng, thời tiết nắng nóng không nên tăng bón đạm, làm lúa sinh trưởng mất cân đối. Vấn đề quan trọng là chăm bón cân đối, hợp lý để lúa trỗ từ 20/4 đến 5/5 là chắc ăn nhất. Còn PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình, ông Trần Xuân Định nhận định, với hơn ¼ diện tích (khoảng 20.000 ha) ở Thái Bình cấy xung quanh tiết Lập xuân, lúa sẽ trỗ vào thời điểm an toàn. Tuy nhiên một số diện tích xuân sớm, phân hoá đòng đầu tháng 3 sẽ bị ảnh hưởng, không thể cho năng suất cao…

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, khung thời vụ gieo cấy lúa xuân ở miền Bắc còn dài, trong khi thời tiết nắng nóng rất dễ phát sinh sâu bệnh. Đối với diện tích lúa chưa cấy, kiên quyết không dùng mạ già để cấy, nếu thiếu mạ có thể gieo mạ bổ sung, tập trung chăm bón, tưới dưỡng hợp lý để lúa trỗ sau 24/4 là an toàn nhất. Thứ trưởng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ việc phòng trừ bệnh VSĐ, VL-LXL trên lúa trên phạm vi toàn quốc. Đôi với các tỉnh ĐBSH cần tăng cường trang bị hệ thống bẫy đèn để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cử cán bộ vào miền Nam học tập kinh nghiệm bẫy đèn hiệu quả...

 

 

Theo NNVN

Tệp đính kèm