Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế ở Thái Bình Dương, đóng tại Hawaii (Mỹ) và Trung tâm Tư vấn sóng thần Bắc Đại Tây Dương của Nhật Bản.
Trận động đất 8,8 độ richter tại Chile hôm 27/2 vừa qua đã gây nên sóng thần khắp Thái Bình Dương mặc dù các ngọn sóng không quá cao như dự đoán. Với một quốc gia có bờ biển trải dài dọc đất nước, Việt Nam đã đón nhận và xử lý thông tin này như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, TS. Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, kiêm Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết:
Chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế ở Thái Bình Dương, đóng tại Hawaii (Mỹ) và Trung tâm Tư vấn sóng thần Bắc Đại Tây Dương của Nhật Bản. Khi có sóng thần thì các bản tin cảnh báo từ hai trung tâm này đều gửi tới Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần TTBTDD&CBST của Việt Nam bằng fax hoặc email thông qua một số người có trách nhiệm như: Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm và một số cán bộ khác bên Bộ TN&MT, Ủy ban Phòng chống lụt bão T.Ư… Những tin đó được gửi đến chúng tôi tương đối kịp thời. Khi có tin về cảnh báo sóng thần thì nhiệm vụ của TTBTDD&CBST là phải xử lý ngay để đưa lên các bản tin cảnh báo.
Đối với trận động đất gây sóng thần tại Chile vừa qua có gây nên sóng thần với biên độ nhỏ, lan truyền khắp Thái Bình Dương, nhưng không có tin cảnh báo đó đối với khu vực Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã vào website của Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương để xem xét cụ thể những bản tin cảnh báo, chúng tôi thấy trận động đất và sóng thần tại Chile vừa qua không có ảnh hưởng tới vùng biển của Việt Nam nên chúng tôi đã kịp thời đưa thông tin đó trên các báo.
PV: Trong trường hợp xảy ra động đất tại vùng biển của Việt Nam hoặc xung quanh khu vực và gây ra sóng thần, liệu Việt Nam có đủ điều kiện thu thập thông tin để ứng phó?
TS. Lê Huy Minh: Trong những nghiên cứu gần đây nhất mà Viện Vật lý địa cầu đã tiến hành, có đề cập đến khu vực biển Đông cũng có một số nguồn sóng thần, trong đó có thể nguồn động đất gây sóng thần lớn đến từ vùng máng Manila, giáp Philippines. Nếu như động đất lớn gây sóng thần xảy ra ở khu vực này thì thời gian để truyền sóng thần từ phía đó cho tới bờ biển Việt Nam khoảng 2 giờ. Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã có một mạng lưới trạm ghi tín hiệu động đất từ khoảng hơn 20 trạm trong khu vực Đông Nam Á. Nói chung, những thông tin về động đất lớn xảy ra ở khu vực biển Đông và vùng lân cận thì hầu như chúng tôi nhận được ngay. Do vậy, nếu có những trận động đất lớn, gây sóng thần thì với những phương tiện hiện tại chúng tôi vẫn có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời, đặc biệt tới dân chúng ven biển để họ sơ tán nhằm giảm thiểu tác hại.
PV: Ông có đánh giá gì về nguy cơ xảy ra sóng thần, nhất là đối với vùng ven biển Việt Nam và cách thức để người dân có thể nhận biết, ứng phó trong trường hợp động đất và sóng thần xảy ra?
TS. Lê Huy Minh: Nguy cơ về sóng thần ở Việt Nam, từ trước đến nay, trong các nghiên cứu về mặt khoa học cũng chưa nhận thấy một dấu hiệu nào cho thấy trước đây có sóng thần ở vùng ven biển của Việt Nam. Những nghiên cứu khoa học gần đây đánh giá về nguồn gây sóng thần, như tôi đã nói, phần nguy hiểm nhất có thể đến từ khu vực máng Manila, vùng biển giáp Philippines về phía đông của biển Đông. Nếu có động đất, sóng thần ở đó xảy ra thì nó sẽ lan chuyển đến Việt Nam khoảng 2 giờ sau đó. Nếu các phương tiện nhận biết nhanh chóng thông tin về sóng thần thì chúng tôi có thể đưa ra lời cảnh báo kịp thời và có thể hoàn toàn tránh được hậu quả do sóng thần gây ra.
PV: Cảm ơn ông!
Theo quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khi có động đất và sóng thần, nhiệm vụ của Viện Vật lý địa cầu phải xử lý thông tin đó rất kịp thời và gửi ngay các tin cảnh báo đến các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài TNVN, Đài THVN và các cơ quan hữu quan như Bộ TN&MT, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư… Với kiểu truyền tin như vậy, những tin về động đất, sóng thần có thể kịp thời đến bà con dân chúng ở những vùng bị ảnh hưởng và như vậy có thể tránh các thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra một cách kịp thời.
Theo vovnews.vn/báo TNVN