Mặc dù, cơ quan quản lý nhà nước đã có các quy định và cảnh báo đến khách hàng nhằm hạn chế việc gửi tin nhắn rác trên điện thoại di động cũng như để chủ thuê bao khỏi bị lừa. Song, cho đến nay, tình trạng tin rác vẫn phát triển, khách hàng mặc nhiên phải chấp nhận như kiểu "sống chung với lũ"…
Từ trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, nạn tin nhắn rác lại "bùng phát" trở lại. Như thường thấy, ngoài gửi tin nhắn rác quảng cáo sản phẩm dịch vụ, mời gọi khách hàng tham gia vào trò bói toán, lô đề, các công ty cung cấp nội dung còn liên tiếp tung ra các loại tin nhắn lừa đảo. Nhiều bạn đọc phản ánh, hầu như ngày nào cũng nhận được các dạng tin nhắn kiểu: "Bạn vừa được một người bạn giấu tên gửi tặng món quà đặc biệt, để biết thêm chi tiết, soạn tin gửi…"; hoặc "Bạn vừa nhận được món quà là chiếc điện thoại từ chương trình quay số ngẫu nhiên (của một nhà mạng nào đó) và soạn tin gửi đến…". Với nhiều người sử dụng di động, "chiêu" lừa đảo này không có tác dụng, song vẫn có không ít trường hợp bị lừa. Anh Nguyễn Thành ở Nghĩa Tân (chủ thuê bao 2 sim di động của Mobifone và Viettel) phản ánh, khi về nhà, anh có thói quen bỏ máy điện thoại trên bàn, nên các con anh thường lấy ra nghịch, thấy có nhiều tin nhắn kiểu như vậy trong điện thoại của bố (do chưa kịp xóa), các cháu làm theo hướng dẫn. Kết quả, sau khi kiểm tra tài khoản, anh bị trừ mất gần 100.000 đồng. Anh Thành cho biết, anh đã 2 lần nhắn tin từ chối nhận tin nhắn quảng cáo trên di động (theo hướng dẫn của nhà mạng); nhưng không thấy hệ thống trả lời xác nhận đã thành công. Sau đó, anh lại nhắn tiếp và hệ thống xác nhận đã nhắn tin từ chối nhận quảng cáo. Những tưởng sau lần ấy, sẽ không còn phải nhận tin nhắn rác gửi đến điện thoại, song kết quả là tin rác vẫn liên tục chuyển đến, không muốn đọc, cũng chẳng kịp xóa và cuối cùng kết quả là như vậy… Chị Bích Liên ở khu Bắc Thành Công (chủ thuê bao đầu số 094 của Vinaphone) kể, ngày nào chị cũng nhận được tin nhắn mời chơi lô, đề, xem kết quả xổ số kiểu như: "Thần tài dự đoán…" từ nhiều sim di động đầu số 094 gửi tới máy điện thoại, đến nỗi chỉ cần nhìn thấy tin nhắn số máy lạ, là xóa liền. Ngoài ra, có không ít khách hàng mặc dù đã nhắn tin từ chối nhận quảng cáo và gửi đến một đầu số của nhà cung cấp dịch vụ, nhưng không có tác dụng và vẫn bị tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoành hành.
Các phương tiện thông tin đại chúng vừa đưa tin trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện kiểm tra tại một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số về chấp hành quy định chống thư rác và có các quyết định xử phạt… Đây là một việc làm cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, song dư luận đặt câu hỏi, vậy trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ di động thế nào trong việc khách hàng của mình thường xuyên bị nhận tin nhắn rác, tin nhắn lừa? Với câu hỏi này, dư luận cũng sẽ không lạ gì với các giải thích của các nhà mạng (nếu có) sẽ là họ đã có các quy định cụ thể yêu cầu các CPs (tên viết tắt của các nhà cung cấp nội dung) có biện pháp xử lý nếu khách hàng khiếu nại… Song, có một thực tế là việc gửi tin nhắn rác trên điện thoại di động đã đem lại không ít lợi nhuận cho cả hai nhà mạng và CPs, đến nỗi trong năm 2009 do việc "ăn chia" có vấn đề "họ" đã từng tố nhau trên một số phương tiện truyền thông là "ép" nhau tỷ lệ phần trăm doanh thu… Vậy, khi ngành chức năng vẫn còn bỏ qua bên liên quan quan trọng đến việc phát triển tin nhắn rác đến khách hàng, thậm chí có không ít trông đợi vào ngành công nghiệp nội dung số thì việc kiểm tra và xử lý vi phạm các CPs chỉ là "muối bỏ bể"?! Phải chăng các cơ quan quản lý thiếu " thuốc chữa"?
Theo Hà nội mới Online