Từ 1/5/2010, muốn trở thành công chức, người dự tuyển phải thi 4 môn: kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành, ngoại ngữ và môn tin học văn phòng. Đây là nội dung chính trong Nghị định số 24/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, với những vị trí công việc yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ hoặc tin học thì môn thi nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học. Trong trường hợp này, người dự tuyển không phải thi môn ngoại ngữ hoặc môn tin học như đã quy định trong 4 môn thi tuyển công chức.
Trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ, người đăng ký dự tuyển công chức được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có 1 trong 2 điều kiện: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam. Môn ngoại ngữ được tổ chức thi viết hoặc thi vấn đáp 1 bài, thi 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số thì việc thi môn ngoại ngữ được thay thế bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Môn tin học văn phòng được miễn khi người dự tuyển công chức có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên.
Bài thi dự tuyển công chức được chấm theo thang điểm 100. Môn ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số và môn tin học văn phòng được tính hệ số 1 và không tính vào tổng số điểm thi. Điểm môn kiến thức chung tính hệ số 1; môn nghiệp vụ chuyên ngành phần bài thi viết tính hệ số 2 và phần bài thi trắc nghiệm tính hệ số 1.
Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của các bài thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Người trúng tuyển trong kỳ thi công chức phải có đủ các bài thi của các môn thi; có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên và có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí làm việc.
Trường hợp có 2 người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển... Nghị định quy định, người không trúng tuyển trong kỳ thi xét tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Nghị định này cũng nêu, người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Người được tuyển dụng vào công chức loại C có thời gian tập sự là 12 tháng; công chức loại D là 6 tháng tập sự. Trong thời gian tập sự, công chức hưởng 85% mức lương bậc 1,2 hoặc 3 (tùy theo trình độ đào tạo) của ngạch tuyển dụng đó. Thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.
Người tập sự được hưởng 100% lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong trường hợp: làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm hoặc là người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, đội viên thanh niên xung phong... từ đủ 12 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức được xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển đối với 3 trường hợp: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Công chức được chia là 4 loại: Công chức loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; Công chức loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; Công chức loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương; Công chức loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Theo GD&TĐ Online