Dân số Việt Nam đang già đi với một mức độ nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử. Năm 1979, cả nước có 3,71 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 6,9% dân số. Năm 2007, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 9,5%, tương đương với 8,08 triệu và sẽ chiếm khoảng 10% vào năm 2010.
Như vậy, Việt Nam cần chuẩn bị ngay những chiến lược, chính sách, giải pháp để đáp ứng kịp thời và hiệu quả với giai đoạn già hóa dân số.
Do hệ quả của tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng thêm, số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Quá trình này được gọi là sự già hóa dân số. Theo Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc, dân số bắt đầu già đi khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 10%.
Giống như gia tăng dân số, già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra nhiều áp lực tới tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện tại và các dịch vụ chăm sóc y tế. Ngoài ra, già hóa dân số còn có những tác động đối với các mối quan hệ gia đình, lối sống và hệ thống bảo trợ xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí.
Trong số người cao tuổi, nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam. Tuổi càng cao thì sự chênh lệch này càng lớn. Trong thực tế, có khoảng trên dưới 80% số người cao tuổi sống độc thân là phụ nữ. Phụ nữ cao tuổi gặp nhiều rủi ro hơn nam giới về thu nhập, tình trạng tàn tật và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế và bảo hiểm y tế xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, số người cao tuổi sống ở nông thôn nhiều gấp 3,5 lần số người cao tuổi sống ở thành thị. Bên cạnh đó, do xu hướng di cư mạnh mẽ từ nông thôn ra thành thị, tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có người cao tuổi chỉ sống với các cháu có xu hướng tăng lên, điều này cũng tạo thêm những khó khăn về thu nhập và khả năng được chăm sóc của người cao tuổi đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy các hộ gia đình có người cao tuổi chịu tác động nhiều hơn từ đói nghèo so với các hộ không có người cao tuổi, các hộ do phụ nữ là chủ hộ và các hộ người cao tuổi sống ở nông thôn thường có xu hướng nghèo hơn so với các hộ khác.
Khoảng 44% so người cao tuổi ở Việt Nam vẫn tiếp tục lao động song đa số là trong lĩnh vực nông nghiệp với thu nhập thấp và bấp bênh. Vì thế, các nguồn thu nhập khác, trong đó có lương hưu và trợ cấp xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các rủi ro đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, diện hưởng lợi từ hệ thống bảo trợ xã hội hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa hợp lý. Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam đạt 72,2 tuổi vào năm 2005. Tuy nhiên tuổi thọ khỏe mạnh trung bình lại rất thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi, xếp thứ 116 trong tổng số174 nước trên thế giới. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam có tới 14 năm ốm đau bệnh tật trong tổng số tuổi thọ là 72,2.
Bên cạnh đó, các mô hình bệnh tật cũng đang chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không truyền nhiễm như bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường..., đòi hỏi chi phí cho chăm sóc y tế cao hơn và rủi ro bị tàn tật cũng cao hơn.
Đáng chú ý, xét về tỷ trọng chi tiêu cho chăm sóc y tế trong tổng thu nhập của gia đình thì chăm sóc y tế cho người cao tuổi cũng đã được cải thiện, song khả năng tiếp cận của nhóm người cao tuổi có thu nhập thấp còn hạn chế và vẫn phải chịu gánh nặng chi phí cao hơn. Thêm vào đó, chi phí trung bình cho điều trị ở người cao tuổi thường cao gấp 7-8 lần so với ở trẻ em. Vì thế, dân số già và không khỏe mạnh sẽ tạo gánh nặng lớn cho toàn xã hội.
Do đó, chi ngân sách bình quân đầu người cho chăm sóc y tế thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới độ bao phủ hạn chế của các dịch vụ chăm sóc y tế tại các nước đang phát triển. Tổng chi ngân sách cho chăm sóc y tế ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 5%-6% GDP, tức là khoảng 45 USD/người/năm. Đây là mức chi tiêu thấp so với các nước khác trong khu vực.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, để nâng cao nhận thức về vấn đề già và những thách thức của vấn đề này tới hệ thống an sinh xã hội và y tế, Việt Nam cần tiến hành các nghiên cứu đa ngành nhằm cung cấp bằng chứng cho xây dựng chính sách và chương trình can thiệp.
Thêm vào đó, hệ thống y tế cần đáp ứng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, chú trọng đến nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc các bệnh của người già, đặc biệt cho nhóm đối tượng nghèo, sống ở nông thôn hoặc các vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, người quản lý lao động cần được phép linh hoạt hơn trong việc sử dụng người lao động cao tuổi như: làm việc bán thời gian, điều chỉnh chế độ lao động phù hợp với sức khoẻ và năng lực; trả lương theo năng suất lao động chứ không căn cứ vào độ tuổi của người lao động; cần có hình thức lao động phù hợp với người lao động cao tuổi nữ. Các chương trình đào tạo lại về nghề nghiệp và nâng cao trình độ học vấn chung sẽ giúp lao động cao tuổi nam và nữ có được việc làm mới và bắt kịp với những thay đổi về công nghệ tại nơi làm việc.
Đặc biệt, xây dựng và ban hành các biện pháp khuyến khích người lao động tiết kiệm cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Đồng thời, các chương trình bảo hiểm xã hội cần được thiết kế theo hướng phổ cập toàn dân; bảo trợ người cao tuổi trước những rủi ro về sức khoẻ và thu nhập./.
Theo Báo điện tử ĐCSVN