Năm tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch .Toàn miền bắc có mưa rào và dông rải rác.Nam Bộ tiếp tục nắng nóng và khô hạn
Theo Ðài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam Bộ, không khí lạnh đang tăng cường từ phía bắc xuống vào ngày 2 và 3-4 có cường độ ổn định, chỉ kéo dài 1-2 ngày rồi di chuyển ra phía đông và suy yếu dần. Ðến khoảng ngày 7, 8-4, một bộ phận không khí lạnh khác có cường độ mạnh lại tăng cường xuống phía nam cho đến ngày 10-4. Thời tiết Nam Bộ, đến 10-4 tiếp tục nắng nóng và khô hạn, chỉ có mưa rào rải rác và dông vài nơi.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Cạn cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm 1-4, trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, lượng mưa phổ biến 10-25 mm, cá biệt tại huyện Chợ Mới 30 mm, giúp nông dân có đủ nước gieo cấy hết diện tích lúa đông xuân. Ðồng thời, trận mưa này cũng giúp hơn bốn nghìn ha đất trồng màu được ẩm ướt để cây trồng phát triển và giảm nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang kết thúc đổ ải 50 nghìn ha lúa đông xuân. Toàn tỉnh chỉ còn 2.800 ha có khả năng bị hạn. Hiện nay, 22 hồ chứa ở tỉnh đều có mức nước rất thấp, với tổng dung tích
hiện còn khoảng 146 triệu m3, đạt 46,5% dung tích thiết kế, trong đó, 10 hồ đã tháo nước đến dung tích chết. Chi cục Thủy lợi tỉnh chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi xả nước các hồ chứa tưới dưỡng lúa theo phương châm tiết kiệm, xa tưới trước, gần tưới sau; tận dụng nước triều để bơm, trữ nước vào kênh trục, ao hồ, vùng trũng.
Hiện nay, khô hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn diễn biến phức tạp, độ mặn liên tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Phía sông Tiền, độ mặn đo được tại cống Cái Hóp 3,5-4%o, cống Láng Thé 5,5-6,5%o. Trên sông Hậu, độ mặn tại cống Cần Chông 7-8%o, cống Rạch Rum 3-4%o... Công ty TNHH quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã đóng tất cả các cửa cống ngăn mặn và khuyến cáo nông dân trữ nước trong nội đồng, bố trí thời vụ sản xuất hợp lý, nhất là vụ lúa hè thu sắp đến.
Theo Cục BVTV, tính đến đầu tháng 4, bệnh lùn sọc đen hại lúa phát sinh tại 24 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra, tổng diện tích nhiễm hơn 21.000 ha. Các địa phương đã tiêu hủy gần 20 ha; nhổ tỉa cây bệnh trên diện tích 18 nghìn ha và phun thuốc trừ rầy hơn 148 nghìn ha. Ðã có năm tỉnh, thành phố công bố dịch và thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch lùn sọc đen các cấp là Quảng Trị, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng và Bắc Ninh. Cục BVTV khuyến cáo, bên cạnh việc vệ sinh đồng ruộng, các tỉnh, thành phố nên sử dụng giống lúa kháng rầy, bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý theo hướng giảm tỷ lệ trà lúa xuân sớm, xuân trung, có thời gian cách ly giữa các vụ lúa và chỉ tiêu hủy cả ruộng lúa khi lúa nhiễm bệnh nặng, khó phục hồi.
Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam vừa triển khai nội dung hợp tác với Trung Quốc, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) về nghiên cứu bệnh lùn sọc đen hại lúa. Ðến nay, UBND các tỉnh, thành phố có diện tích lúa nhiễm bệnh đã trích ngân sách phòng, trừ bệnh (TP Hải Phòng hơn 2,7 tỷ đồng, Quảng Nam 520 triệu đồng và Quảng Ninh gần 53 triệu đồng), thông tin, tập huấn, in ấn tài liệu hướng dẫn, khuyến cáo cho nông dân nhận biết triệu chứng, tác hại bệnh vi-rút lùn sọc đen và kỹ thuật phun trừ rầy-tác nhân gây dịch lùn sọc đen hại lúa.
Tại Bình Ðịnh, đến hết tháng 3, có hơn 32.798 ha lúa đông xuân nhiễm rầy nâu; trong đó 17.000 ha nhiễm nặng, mật độ 10.000 con/m2. Các huyện huy động lực lượng phun thuốc đợt 1 cho hơn 32.000 ha nhiễm rầy, phun lần 2, lần 3 cho hơn 10 nghìn ha. Ðến nay, toàn bộ diện tích lúa đông xuân của tỉnh nhiễm rầy nâu đã cơ bản được khống chế.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trước tình trạng nắng nóng kéo dài, tỉnh Tiền Giang đang tăng cường kiểm soát dịch tễ, tiêm phòng lở mồm, long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên đàn lợn, đàn trâu bò tổng cộng hơn 2,654 triệu liều, kiểm dịch hơn 121 nghìn con gia súc, hơn 4,3 triệu con gia cầm tiêu thụ trên địa bàn từ đầu năm đến nay.
Theo Ðài Thông tin duyên hải (TTDH), rạng sáng 2-4, tàu cứu hộ SAR 274 đã tìm được tàu cá 8404 QNg và đưa bệnh nhân Nguyễn Ðược, 33 tuổi, bị ốm nặng trên tàu về Ðà Nẵng vào buổi chiều cùng ngày. Trước đó, rạng sáng 1-4, tàu 8404 QNg đã liên lạc với Ðài TTDH Ðà Nẵng, thông báo trên tàu có thuyền viên ốm nặng, tình trạng nguy kịch. Ðài TTDH đã liên hệ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Ðà Nẵng MRCC) và phát thông tin cấp cứu đến các phương tiện hoạt động trong khu vực tìm cách giúp thuyền viên đang gặp nguy hiểm. Ðà Nẵng MRCC đã điều động tàu SAR 274 đi cứu người bị nạn và đón bệnh nhân về bờ an toàn.
Ngày 2-4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 100 nghìn giếng nước khoan và 82 trạm cấp nước tập trung ở nông thôn. Ngoài ra, còn có hai nhà máy cấp nước tập trung ở thị xã Bạc Liêu và hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng nước ngầm. Tổng mức tiêu thụ khoảng hơn 400 nghìn m3/ngày đêm.
Qua kiểm tra, mực nước ngầm ở tầng hai năm 2010 so với năm 1999 bị tụt 5m. Như vậy, chỉ trong mười năm mực nước ngầm ở Bạc Liêu đã tụt 5m. Hiện nay tình trạng khoan giếng nước ngầm ở Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung diễn ra tràn lan. Nhiều hộ dân tự khoan giếng nước ngầm để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, chính quyền và các ngành chức năng không kiểm soát nổi. Ðáng lưu ý, nhiều giếng khoan bị hư hỏng không được trám lấp hoặc trám lấp không đúng quy định, dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tầng nước ngầm nghiêm trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long...
Theo Nhandan Online