Cập nhật: 14/04/2010 15:16:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến thời điểm này, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Các cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu người dân còn thiếu kiến thức về bệnh cũng như ý thức kém trong vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống phòng bệnh thì bệnh tả sẽ sớm quay trở lại.

Bệnh tả do vi khuẩn tả (V.cholerae) gây nên. Hầu hết bệnh tả gây nên triệu chứng tiêu chảy cấp, tuy vậy cũng có một tỷ lệ nhỏ nhất định bệnh tả còn có thể kèm theo nôn hoặc chỉ nôn khan. Bệnh  tả là một bệnh truyền nhiễm làm cho nhiều người cùng mắc trong cùng một vùng, một địa phương và trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Bệnh dễ dàng lây lan thành dịch lớn. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh tả rất phong phú, phức tạp và đa dạng.

 

Một vài đặc điểm cần lưu ý của vi khuẩn tả

 

Vi khuẩn tả đứng hàng đầu trong căn bệnh nguy hiểm tiêu chảy cấp. Vi khuẩn tả được xếp vào họ xoắn khuẩn nhưng chúng gây bệnh ở đường tiêu hoá. Vi khuẩn tả có lông và chúng di động rất mạnh chính bằng lông của  mình. Đặc điểm nổi bật nhất của vi khuẩn tả là chúng có cả nội và ngoại độc tố. Khả năng gây bệnh của nội và ngoại độc tố cực kỳ mạnh. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy ngoại độc tố của vi khuẩn  tả có tác động mạnh giống như ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (C.diphterie), vi khuẩn uốn ván (C.tetanie), vi khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa). Ngoại độc tố của vi khuẩn tả là một vũ khí cực kỳ lợi hại trong việc gây bệnh của chúng. Vì vậy khi bị mắc bệnh do vi khuẩn tả gây ra bệnh cảnh lâm sàng hết sức trầm trọng, xảy ra nhanh chóng và nguy kịch. Trong điều kiện tự nhiên như nước ao, hồ, sông, suối, vi khuẩn tả có khả năng sống và tồn tại khá lâu. Khi vi khuẩn tả lây nhiễm vào thực phẩm, rau, quả, nước... chúng có khả năng sống và tồn tại lâu hơn, nếu ăn, uống mà trong thực phẩm hoặc nước uống (hoặc cả hai) có vi khuẩn tả hoặc độc tố của chúng thì rất có khả năng mắc bệnh tiêu chẩy cấp. Vi khuẩn tả chỉ gây bệnh cho con người không gây bệnh cho động vật, gia cầm, thuỷ cầm. Bệnh thường biểu hiện đau bụng, buồn nôn hoặc nôn và đi ngoài nhiều lần (cả về số lượng chất thải và số lần đi ngoài trong ngày).

 

Vi khuẩn tả xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn, uống. Sau khi vi khuẩn vào ruột non, chúng phát triển nhanh chóng và tiết ra độc tố ruột (Lethal toxin: LT). Độc tố ruột làm tăng hoạt hoá enzym adenylcyclaza dẫn đến tăng quá nhiều AMP vòng và vì vậy làm cho tế bào niêm mạc ruột giảm hấp thu Na+, đồng thời tăng tiết nước và Cl-, do đó nước trong tế bào niêm mạc ruột được lôi kéo ra lòng ruột tăng lên hết sức nhanh chóng gây nên triệu chứng tiêu chảy cấp tính. Càng tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì hiện tượng mất nước và mất chất điện giải ngày càng tăng lên làm cho bệnh nhân bị trụy tim mạch cấp tính trong một khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Sự nguy hiểm của bệnh tả là nguy kịch và có thể làm cho nhiều người mắc bệnh nếu cùng ăn, uống một loại thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn tả.

 

Cần làm gì để phòng bệnh tiêu chảy do vi khuẩn  tả?

 

Nói chung khi mắc bệnh tiêu chảy cấp tính, đặc biệt là tiêu chảy do vi khuẩn tả, do vi khuẩn gây bệnh lan truyền chủ yếu theo đường ăn, uống cho nên ăn, uống phải hết sức thận trọng. Vì vậy điều quan trọng hàng đầu để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn tả là cần  ăn "ăn chín, uống sôi". Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã. Tốt nhất nên ăn lúc nào nấu chín lúc đó, không nên ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh trong đó có thể có vi khuẩn tả.

 

Nước để dùng rửa thực phẩm không nên dùng nước ao hồ, sông, suối. Dụng cụ dùng để chế biến, phân phối thực phẩm, dùng trong bữa ăn, uống (như bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa...) sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước đang đun sôi. Nếu nơi nào có nguy cơ bệnh tả thì việc làm này càng hết sức cần thiết.

 

Những người chế biến, phân phối thực phẩm cần rửa tay sạch bằng xà phòng và đi găng sạch trước khi bắt đầu công việc.

 

Đối với phân và chất thải của người  bị tiêu chảy do vi khuẩn tả cần được quản lý thật tốt bằng cách cho vào hố xí có chất sát khuẩn mạnh, đặc biệt cần thiết cho những vùng nông thôn dùng hố xí bán tự hoại, hố xí 2 ngăn, hố xí hợp vệ sinh. Tất cả mọi người sau khi đi ngoài cần rửa tay sạch bằng xà phòng. Đối với những vùng có nguy cơ dịch bùng phát cần được dự phòng bằng vaccin phòng bệnh tả. Dùng vaccin phòng bệnh tả là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, sử dụng đơn giản mà lại rất hiệu quả. Đối với những người làm công tác y tế thì cần phát hiện người lành mang vi khuẩn tả. Nếu phát hiện có người lành mang vi khuẩn tả cần phải điều trị triệt để và sử lý nguồn chất thải thật đúng quy trình nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan ra cộng đồng.

 

 

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm