Cập nhật: 16/04/2010 14:59:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nắng nóng, khô hạn kéo dài đã và đang gây khó khăn và có nguy cơ thiệt hại nhiều diện tích cây nông nghiệp và ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến ngày 15/4, hạn hán xảy ra ở các địa phương của Đắk Lắk, làm khoảng 4.300 ha cây trồng bị khô héo, trong đó có 2.500 ha cà phê và 1.800 ha cây ngắn ngày. Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, nếu từ nay tới hết tháng không có mưa, diện tích cây trồng bị khô hạn sẽ lên tới  khoảng 7.000 ha. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 520 công trình thủy lợi lớn nhỏ, chỉ bảo đảm nước tưới cho 52% diện tích cây trồng. Trước tình hình này, chính quyền, ngành chức năng của địa phương đang triển khai một số giải pháp hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn do khô hạn gây ra. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sở Nông nghiệp đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra mức độ hạn ở từng địa phương và hướng dẫn và khuyến cáo nhân dân sử dụng tiết kiệm nước. Tỉnh đã hỗ trợ 38 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương và của tỉnh cho các huyện để khắc phục các công trình thuỷ lợi và giống cây trồng bị thiệt hại do thiên tai để bà con chuẩn bị cho sản xuất vụ hè thu tới”.

 

Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn cao điểm. Trong lúc các ngành chức năng nỗ lực ứng phó, thiệt hại đã xảy ra ở nhiều nơi. Đáng lo ngại nhất hiện nay là hàng chục nghìn hộ dân ven biển bị thiếu nước ngọt trầm trọng. Tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), đến nay, toàn bộ hệ thống kênh mương ở 11 ấp trong xã đã cạn kiệt hoàn toàn, gần 15.000 dân thiếu nước ngọt trầm trọng. Trong khi đó, trạm cấp nước ngọt của xã cũng bị nhiễm mặn nên việc tìm nguồn nước sinh hoạt hết sức khó khăn. Ông Lê Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết: “Hiện các ao trữ nước của dân đã hết nước. Giải pháp của huyện là phải tận dụng các cây nước còn lại để phục vụ cứu hạn, vận động các chủ phương tiện vận chuyển  nước ở Mỹ Tho xuống trạm Tân Phước, trạm Vòm Láng phục vụ cho dân”.

 

Tại tỉnh Bạc Liêu, nắng nóng, khô hạn cũng đe dọa hàng nghìn ha tôm nuôi, hoa màu tại các huyện Giá Rai, Phước Long, Hòa Bình, thị xã Bạc Liêu... Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là hơn 8.000 ha tôm nuôi và khoảng 10.000 ha lúa bị khô hạn có nguy cơ mất trắng. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang triển khai các biện pháp chống hạn, đồng thời quy hoạch lại sản xuất trong thời gian tới. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết:  “Về lâu dài phải quy hoạch lại sản xuất cho đúng lịch thời vụ, đảm bảo sản xuất tránh được rủi ro khô hạn, kể cả về vấn đề giống, vấn đề kỹ thuật, thuỷ lợi, vấn đề mùa vụ. Chúng tôi đang có kế hoạch để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian”./.

 

 

 

Theo VOV News

 

 

Tệp đính kèm