Cập nhật: 20/04/2010 15:03:59 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cả nước có hơn 100 nghìn ha lúa đang thiếu nước * Các tỉnh phía bắc bắt đầu đợt nắng nóng mới * Hạn, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân

Ngày 19-4, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 và triển khai công tác năm 2010. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.

 

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư đều nhận định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng khí tượng, thủy văn như: bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm rét hại, mực nước biển cực đại... sẽ tiếp tục bị tác động, biến đổi mạnh mẽ và làm tăng tính dị thường, cực đoan trong năm 2010. Do vậy, công tác phòng, chống thiên tai năm 2010 sẽ khó khăn hơn nhiều.

 

Trước tình hình đó, với phương châm chủ động phòng tránh, các đại biểu dự hội nghị tập trung nêu những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2009 để thảo luận, rút kinh nghiệm, từ đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2010 và những năm tiếp theo. Hội nghị xác định, trước mắt cần xây dựng các công trình công cộng, như trụ sở UBND xã phường, bệnh viện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... phải kiên cố, vượt lũ để nhân dân có nơi tránh trú; xây dựng đường cứu hộ kết hợp giao thông nông thôn; chọn những khu đất cao làm chỗ tránh trú lũ khi có lũ kéo dài... Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại các quy trình vận hành các hồ chứa nước, thủy điện để sớm ban hành quy trình vận hành cho từng hồ và liên hồ. Ngoài ra, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hệ thống đê điều và đầu tư nâng cấp những đoạn đê trọng yếu; rà soát bổ sung các phương án sơ tán dân; nâng cao nhận thức cộng đồng đối với hiểm họa thiên tai; đôn đốc công tác chuẩn bị, nhất là phương án "4 tại chỗ", đồng thời tăng cường dự báo bão, lũ... cũng được tập trung triển khai và hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2010.

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, không khí lạnh đã suy yếu, nắng nóng bắt đầu xuất hiện trở lại ở các tỉnh phía bắc, nhiệt độ cao nhất lên tới 35oC. Tại các tỉnh miền trung cũng bắt đầu đón đợt nắng nóng mới với dạng thời tiết ngày nắng, tối có mưa rào và giông vài nơi, đêm không mưa. Nhiệt độ cao nhất ở một số nơi trong khu vực này lên đến 32-35oC. Hôm nay (20-4), nhiệt độ tăng dần lên 1-2oC. Còn tại các tỉnh phía nam vẫn tiếp tục chịu nắng nóng do sự chi phối của lưới áp cao cận nhiệt đới, nhiệt độ cao nhất 34-37oC; chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi.

 

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu tháng 4 đến nay, một số khu vực trên phạm vi cả nước đã có mưa nhỏ, giảm tình trạng khô hạn đối với cây trồng vụ đông xuân. Tuy nhiên, tổng lượng mưa còn ít, cho nên chưa có tác dụng cải thiện nhiều về tình hình khô hạn và nước mặn xâm nhập. Tính đến ngày 15-4, tổng lượng mưa trung bình ở các tỉnh Bắc Bộ là 48mm, riêng khu vực đồng bằng và trung du 34mm, Bắc Trung Bộ 15mm, Nam Trung Bộ 11mm, Tây Nguyên 60mm. Khu vực Trung Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long không mưa. Do mưa ít và khô hạn kéo dài, các hồ chứa loại vừa và lớn ở khu vực Bắc Bộ chỉ còn 50% lượng nước thiết kế; miền trung còn 65%, Tây Nguyên 42% và vùng Ðông Nam Bộ 27%.

 

Theo báo cáo của các địa phương, các tỉnh thuộc Bắc Bộ hiện có 27.500 ha thiếu nước, chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên. Các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn đã có một số diện tích bị hạn cục bộ. Vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ hiện có 17.300 ha lúa đang thiếu nước tưới, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Thọ 1.200 ha, Bắc Giang 9.800 ha, Hưng Yên 6.226 ha. Khu vực Bắc Trung Bộ hiện có 42.200 ha lúa bị hạn; trong đó Thanh Hóa 25 nghìn ha, Nghệ An 17.200 ha. Ở vùng Ðông Nam Bộ, riêng tỉnh Bình Phước đã có 1.500 ha lúa thiếu nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu đợt nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng En-Ni-nô. Trong 500 nghìn ha lúa vụ hè thu vừa xuống giống đã có 39 nghìn ha bị hạn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu. Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

 

Tại Hà Tĩnh, hàng nghìn ha lúa ở các huyện Ðức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà... đang bị nhiễm mặn rất nặng. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, từ cuối tháng 3 đến nay độ mặn dao động ở mức 3-4%o (trong khi độ mặn cho phép là dưới 1,2%o). Ngành nông nghiệp cũng như người dân đang gặp khó khăn trong khâu tưới cho lúa, bởi nếu sử dụng phương án bơm tưới thay cho cống Trung Lương (cửa ngăn mặn giữ ngọt) mỗi ngày phải tốn 30 triệu đồng tiền điện. Ðặc biệt, mặn xâm thực còn ảnh hưởng lớn đến nước tưới cho vụ lúa hè  thu sắp tới.

 

Trong những ngày qua, tại các tỉnh, thành phố miền trung, nắng nóng diễn ra gay gắt, có nơi lên đến 41oC, khiến nhiều con sông tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh cạn khô nước. Tại Quảng Trị, gần 1.000 ha lúa thuộc phường Ðông Thanh (Ðông Hà), xã Cam Thủy, Cam Thanh, Cam Tuyền, Cam Hiếu (Cam Lộ) phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ các trạm bơm sông Hiếu. Tuy nhiên, khi cây lúa bước vào giai đoạn làm đòng thì sông không có nước để bơm, khiến nhiều đồng ruộng đứng trước nguy cơ bị mất trắng vì hạn hán.

 

Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 700 nghìn người đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng nước mặn xâm nhập diễn ra gay gắt. Hàng chục nghìn ha vườn dừa ở Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc... bị nhiễm mặn nặng, có biểu hiện tóp đọt, cháy lá, giảm năng suất cho trái. Ðặc biệt, nước mặn đã tấn công và gây hại hàng chục nghìn ha cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Hàng nghìn nhà vườn tại huyện Chợ Lách đang khẩn trương đối phó với đợt hạn mặn gay gắt nhất trong nhiều năm qua. Ở vùng biển Bình Ðại, Ba Tri, Thạnh Phú, người dân đổi nước giếng sử dụng với giá 60 - 120 nghìn đồng/m3 nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.

 

Theo Cục Thú y, trong những ngày qua, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp tục bùng phát ở những địa phương đang có dịch. Tại Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm tiếp tục xảy ra thêm trên đàn vịt đẻ 900 con ở phường Việt Hưng, TP Hạ Long. Số vịt bị chết là 450 con. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Như vậy, hiện nay, cả nước còn hai tỉnh là Bắc Cạn và Quảng Ninh có dịch cúm gia cầm.

 

Về tình hình dịch tai xanh trên lợn, tại tỉnh Hải Dương, từ ngày 14 đến 18-4, dịch tiếp tục xảy ra tại chín xã, phường thuộc các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, Gia Lộc và Cẩm Giàng. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.221 con. Cơ quan Thú y vùng II đang phối hợp Chi cục Thú y và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách để nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Tại Thái Bình, dịch được phát hiện thêm tại xã Phú Xuân (TP Thái Bình) và xã Vũ Lăng (Tiền Hải) với tổng số lợn mắc là 5.958 con. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, dịch phát hiện thêm tại xã Phú Lương, huyện Lương Tài, làm 40 con lợn mắc bệnh.

 

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 19-4, trên địa bàn huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã xảy ra lốc lớn kèm theo mưa đá trên diện rộng đã làm tốc mái khoảng 100 ngôi nhà của dân; hàng trăm ha lúa đông xuân vừa chín bị ngã đổ; nhiều trường học, nhà mẫu giáo ở các xã Quế Lộc, Quế Trung, Sơn Viên... bị thiệt hại. Nhận được thông tin lốc lớn xảy ra, lãnh đạo huyện đã cử cán bộ các cơ quan chức năng xuống vùng bị thiệt hại nặng thống kê tình hình thiệt hại để có phương án hỗ trợ, giúp dân sớm ổn định đời sống.

 

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm