Tiền lương thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm khiến số vụ đình công gia tăng, những quy định trong Luật Lao động, Luật Công đoàn còn quá nhiều kẽ hở, gây bất lợi cho người lao động (NLĐ) là những vấn đề "nóng" tại nhiều hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức gần đây.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù nền kinh tế đang có nhiều khởi sắc và hồi phục nhanh nhưng từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 64 vụ đình công. Riêng trong tháng 2-2010 đã xảy ra 26 vụ. Điều này cho thấy, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp đang có dấu hiệu xấu đi, chủ yếu là quan hệ tiền lương, tiền công giữa doanh nghiệp và NLĐ.
Lương thấp!
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Mức lương này không thể bảo đảm cho NLĐ bù đắp sức lao động giản đơn, nói gì đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động. Phần lớn doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu của Nhà nước ban hành để làm gốc tham chiếu trả lương cho NLĐ mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Dẫn chứng cho vấn đề này, bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương khẳng định, việc trả lương thấp không chỉ khiến cho NLĐ mà cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp cũng bị thiệt. Một trong những thách thức khi hội nhập là doanh nghiệp phải bảo đảm được các yếu tố phát triển bền vững, trong đó có yếu tố bảo đảm điều kiện làm việc và đời sống cho NLĐ. Nếu không đáp ứng được các yếu tố trên, doanh nghiệp có thể không xuất khẩu được sản phẩm vào một số thị trường hoặc bị áp thuế chống phá giá. Nhiều chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng thừa nhận, khi đồng lương không tương xứng với sức lao động, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vấn đề về lao động và việc làm cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn tại nơi làm việc, làm mất đi động lực đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và phát triển kỹ năng.
Ông Đặng Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần thấy rằng, mức lương tối thiểu là mức cận nghèo. Khi ban hành mức lương tối thiểu, cơ quan chức năng mới chỉ tính đến nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của NLĐ như ăn, mặc để họ không rơi xuống đói, nghèo. Vì thế, nếu trả lương cho NLĐ bằng hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút cũng chỉ đủ để NLĐ duy trì sinh hoạt ở mức cận nghèo.
Quan hệ lao động thiếu lành mạnh
Theo ý kiến của các chuyên gia lao động, tiền lương tối thiểu được quy định hiện nay chỉ được xem là lưới đỡ để NLĐ không bị rơi xuống mức nghèo đói và không bị bóc lột. NLĐ phải thương lượng, mặc cả với chủ sử dụng để thỏa thuận về điều kiện làm việc, mức tiền lương, tiền công tương xứng với công sức bỏ ra. Trên thực tế, tại nhiều doanh nghiệp, do tổ chức công đoàn yếu kém nên họ không thể giúp đỡ công nhân trong thương lượng. Tại nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động đã không chấp nhận đối thoại hoặc những kiến nghị chính đáng của NLĐ. Điều đó khiến quan hệ lao động ngày càng căng thẳng, dẫn đến đình công.
Rõ ràng, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi chủ yếu xuất phát từ mức đãi ngộ và sự quan tâm của chủ sử dụng lao động đối với NLĐ. Nhìn từ góc độ tiền lương, tiền công, doanh nghiệp nào có mức lương bảo đảm cuộc sống ổn định cho NLĐ thì quan hệ lao động trong doanh nghiệp đó tốt và doanh nghiệp phát triển khá. Ngược lại, mức lương không thỏa đáng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ lao động và sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp.
Theo HNM Online