Cập nhật: 22/06/2010 16:16:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao thì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng. Chính vì thế, Ban quản lý Đề án bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho nông dân Vĩnh Phúc đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm truyền thụ cho nông dân những kiến thức cập nhật nhất.

Đòi hỏi của thực tiễn

 

Vĩnh Phúc hiện có 77% dân số sống ở nông thôn, được đánh giá là nguồn lao động dồi dào và tiềm năng. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu là lao động phổ thông, làm nông nghiệp truyền thống nên năng suất chưa cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, người nông dân phải có trình độ, kiến thức về kỹ thuật và quản lý, nắm vững pháp luật và thông tin thị trường.

 

Muốn vậy, phải thay đổi tư duy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người nông dân, trong đó bao gồm kiến thức pháp luật, kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật... Từ thực tế này, Ban quản lý Đề án bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho nông dân Vĩnh Phúc tiến hành phổ cập nghề cho nông dân, số lao động nông thôn qua đào tạo nhờ vậy ngày càng tăng, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề phi nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý cũng như đơn vị trực tiếp tham gia giảng dạy; đội ngũ giảng viên cần tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt cần có sự sàng lọc đối tượng học, tránh tình trạng học và dạy theo phong trào, cần tư vấn để người học chọn được nghề gì mà thị trường cần. Việc phát triển và đầu tư hiệu quả cho lao động nông thôn sẽ là điểm mấu chốt giúp nông dân khắc phục được các hạn chế và tự hoàn thiện mình. Như vậy người lao động sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường lao động rộng lớn và có việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn đổi mới.

 

Góp phần thay đổi tư duy

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, nhiều năm qua, Ban quản lý Đề án bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho nông dân đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, góp phần thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của nông dân, từ cách trồng cây gì, nuôi con gì, đến tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường...

 

Kết quả bước đầu cho thấy, những nông dân sau khi tham gia lớp học đã thay đổi tư duy trong cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, trở thành người nông dân mới, năng động hơn; tích cực lắng nghe các thông tin về thị trường, về lao động việc làm, về tiến bộ kỹ thuật... Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường... Góp phần chuyển dịch một bộ phận đáng kể lao động khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; xây dựng nông thôn mới, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

 

 

Theo kinhtenongthon.com.vn

Tệp đính kèm