Cập nhật: 23/06/2010 16:24:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong khi các hồ chứa đang cận kề mực nước chết, nhiều nhà máy nhiệt điện gồng mình chạy “quá sức”, thì việc tiêu thụ điện lại tăng rất mạnh, đặc biệt là việc sử dụng lãng phí ở nhiều nơi.

Các hồ thủy điện cận kề mực nước chết

 

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ,  bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, năm nay, không có lũ tiểu mãn. Đã gần cuối tháng 6 nhưng nước về các hồ thủy điện phía Bắc vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm.

 

Hiện mực nước tại các hồ thủy điện  trong toàn quốc đang ở tình trạng xấp xỉ mực nước chết. Cụ thể, mực nước tại hồ Hòa Bình còn 81,23m (mực nước chết 80m), hồ Thác Bà 46,5m (cao hơn mực nước chết 0,5m), hồ Tuyên Quang 91,1m (cao hơn mực nước chết 1,1m).

Trận mưa ở miền Bắc tối 20/6 có cường độ không mạnh, phần lớn chỉ đủ ngấm đất sau đợt nắng nóng nên lượng nước về các hồ cũng không nhiều. Trong ngày 21/6, mực nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 1.500m3/s, tại hồ Tuyên Quang khoảng 600m3/s, hồ Thác Bà gần 100m3/s. Đặc biệt là mức nước hồ thủy điện Hòa Bình ngày 20/6 đã xuống trong khi đó vào thời gian này của năm 2009, nước đã dâng lên mức 92m.

 

Có thể có một đợt mưa vào cuối tháng (vào ngày 25-26/6/2010), song vẫn chưa cải thiện được tình hình dòng chảy đến các hồ, mực nước các hồ chứa vẫn còn ở mức thấp. Lưu lượng nước về hồ Sơn La dự kiến 2.800 m3/s, Hòa Bình 2.200 m3/s, Tuyên Quang 700 m3/s.

 

“Phải đợi khi nào mưa xuất hiện 3 ngày liền, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình phải đạt tới 5.000- 6.000 m3/s thì mới có thể coi là lũ, may ra lúc đó các nhà máy thủy điện mới chạy hết công suất”, bà Nguyễn Lan Châu cho biết.

 

Thủy điện chạy cầm chừng, nhiệt điện phải gắng sức

 

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do nước về các hồ quá thấp nên các nhà máy thủy điện phía Bắc phải vận hành cầm chừng để không làm mực nước của hồ thấp hơn. Nghĩa là nước về hồ đến đâu phát điện đến đó.

 

Với mực nước hiện tại, nếu các nhà máy phát điện hết công suất thì chỉ trong vòng một ngày các hồ chứa sẽ về mực nước chết. Do vậy, hiện nay, thủy điện đang phát 50 triệu kWh/ngày (nếu đủ nước có thể được từ 130-140 triệu kWh/ngày).

 

Trong khi nguồn thủy điện vẫn đang chạy cầm chừng chờ lũ thì các nhà máy nhiệt điện đã vận hành hết công suất. Một số nhà máy điện vận hành ổn định như nhiệt điện Phả Lại 1, 2; turbin khí GT12 Phú Mỹ đang phải hoạt động quá yêu cầu cho phép về thời gian sửa chữa, bảo trì.

 

Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố từ những nguồn điện ổn định này trong tương lai, nhất là khi mùa nóng ở miền Bắc mới chỉ bắt đầu.

 

Công nhân điện lực Hà Nội khắc phục sự cố đường dây - Ảnh Chinhphu.vn
 

Trong khi đó, các nguồn điện mới dự kiến sẽ “giải nguy” cho hệ thống điện mùa khô năm 2010 lại vẫn gặp sự cố. Cụ thể, tổ máy số 2 của Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu vừa đưa vào vận hành nhưng đã bị sự cố. Nhà máy nhiệt điện Sơn Động chưa thể khai thác, Nhiệt điện Cẩm Phả chỉ chạy được hơn 50% công suất (từ 150 - 200MW).

 

EVN cho biết cùng với việc huy động cao các nhà máy nhiệt điện kể cả phát điện bằng dầu FO, DO và tăng cường mua điện Trung Quốc (mỗi ngày đã mua tới 14,5 triệu kwh) song mấy ngày nắng nóng vừa qua tổng sản lượng trong ngày chỉ đạt khoảng 274 - 275 triệu kWh.

 

Do vậy trong những ngày gần đây, EVN đã thực hiện phân bổ sản lượng điện cho các tổng công ty điện lực, nên các đơn vị điện lực địa phương đã thực hiện cắt điện luân phiên để thực hiện sản lượng điện được phân bổ.

 

Theo dự đoán, từ nay đến cuối tháng 6, tình hình cung điện vẫn căng thẳng.

 

Tiết kiệm là hàng đầu

 

Trong khi nguồn cung điện khó khăn, việc tiêu thụ điện, chủ yếu là phục vụ sinh hoạt, vẫn tăng mạnh.

 

Trao đổi với báo chí vừa qua, ông Lê Văn Phước, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh, cho biết, tổng sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của thành phố hiện khoảng 44,6 triệu kWh, vượt 1,1 triệu kWh/ngày so với sản lượng 43,5 triệu kWh được phân bổ như hiện nay.

 

Trong đó, sản lượng điện tiêu thụ cho thắp sáng, sinh hoạt và hành chính sự nghiệp là 17,84 triệu kWh/ngày. Do vậy, nếu các gia đình và cơ quan tiết kiệm khoảng 6% sản lượng điện tiêu thụ, TP.HCM sẽ tiết kiệm khoảng 1,07 triệu kWh/ngày. Với sản lượng tiết kiệm này, TPHCM sẽ không thiếu điện so với sản lượng được phân bổ.

 

Tại Hải Phòng, lượng điện tiêu thụ mỗi ngày là 9 triệu kwh. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, hiếm thấy tình trạng cắt điện tại thành phố cảng này bởi các biện pháp tiết kiệm điện được thực hiện khá tốt.

 

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, hộ dân trong thành phố cam kết tự tiết giảm tiêu thụ, chẳng hạn, nhà máy có 4 dây chuyền thì chỉ chạy 3 dây chuyền, hộ dân có 4 điều hòa thì chỉ dùng 2…

 

Tại Hà Nội, nếu như tháng 5 (khi tiết trời chưa nắng nóng), thành phố chỉ tiêu thụ dưới 30 triệu kWh/ngày thì trong những ngày nắng nóng của tháng 6/2010, mức tiêu thụ luôn đạt 35 triệu kWh/ngày, thậm chí có ngày lên gần 40 triệu kWh.

 

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), sự tăng đột biến này chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, bằng chứng là nhiều trạm biến áp của khu vực đông dân cư đã được nâng công suất và trước đó chỉ vận hành đến 75 % công suất, đã bị quá tải. Nhiều trục hạ thế bị lệch pha, dẫn đến việc mất điện cục bộ.

 

Theo quan sát của phóng viên, trong đợt nắng nóng vừa qua, số lượng tiêu thụ các mặt hàng chống nóng tại Hà Nội như quạt, điều hòa tại các siêu thị điện máy tăng mạnh, khoảng 20-30%.

 

Như vậy, nếu Hà Nội tiết giảm mức tiêu thụ như hồi tháng 5, thì lượng điện tiết kiệm đủ dùng cho cả TP. Hải Phòng.

 

Có thể nói, sự đồng thuận, tự giác của mỗi người dân, đơn vị, tổ chức trong việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm là một trong những yếu tốt then chốt giải quyết được tận gốc rễ vấn đề thiếu điện hiện nay.

 

 

 Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm