Cập nhật: 15/07/2010 14:39:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc: Điểm mới của chương trình 135 giai đoạn 2011 – 2015, định hướng 2020, là người nghèo ở những bản, xã khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hơn, thuận lợi hơn cho việc đầu tư sản xuất.

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn II sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Trong những năm qua, Chương trình 135 đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ để trong thời gian tới đạt được hiệu quả cao hơn.

 

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Chương trình 135 giai đoạn II?

 

Ông Hà Hùng: Cho đến nay, Chương trình 135 giai đoạn II đã hỗ trợ cho các địa phương 14.000 tỉ đồng; xây dựng 4.125 mô hình phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; mua sắm trên 42.000 máy móc phục vụ sản xuất, chế biến; xây dựng trên 12.000 dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở. ủy ban Dân tộc đã tập huấn cho 3.500 lượt cán bộ tham gia quản lý Chương trình 135 từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Tính trung bình, mỗi địa phương đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính, kinh tế, giám sát dự án cho 178 lượt cán bộ xã, thôn, bản. Thành lập được 1.500 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II…

 

PV: Chương trình 135 giai đoạn II  khuyến khích xã làm chủ đầu tư. Việc xã làm chủ đầu tư có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

 

Ông Hà Hùng: Nếu không mạnh dạn phân cấp giao cho xã làm chủ đầu tư thì năng lực điều hành của các cấp chính quyền xã sẽ không phát triển. Thêm nữa, việc xã làm chủ đầu tư sẽ làm cho chương trình sát dân hơn. Chương trình 135 được thiết kế theo hướng: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi xã làm chủ đầu tư, dân sẽ có điều kiện tham gia dự án từ khâu lập kế hoạch, đảm bảo cho việc thực hiện dự án đạt hiệu quả hơn.

 

PV: Thực tế, việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II  ở một số địa phương còn gặp không ít trở ngại như: giải ngân chậm, chương trình chưa có nhiều mô hình điểm, sự hỗ trợ từ một số dự án chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân. Ông có nhận xét gì về điều này?

 

Ông Hà Hùng: Qua giám sát, đánh giá, kiểm toán từng năm của các tổ chức từ Trung ương đến địa phương cho thấy, đúng là có một vài địa phương trong khi thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II còn những vấn đề trên. Đó là những địa phương mà chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về Chương trình 135, bỏ qua quy trình xây dựng dự án có sự tham gia của người dân, đầu tư dự án không theo nguyện vọng của người dân.

 

Chương trình 135 cho phép một số địa phương xây dựng mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, là mô hình điểm để người dân và các địa phương khác đến học tập. Tuy nhiên, việc phổ biến và nhân rộng những mô hình điểm không đạt hiệu quả như mong muốn, bởi việc thực hiện cần một lượng vốn lớn. Thêm nữa, mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau nên không thể cùng áp dụng chung một mô hình được.

 

PV: Việc trợ giúp pháp lý cho người dân địa phương cũng chưa được tốt, nguyên nhân chính do đâu?

 

Ông Hà Hùng: Vốn trợ giúp pháp lý cho một xã quá thấp, 2 triệu đồng/năm/xã. Vì thế, nếu địa phương không lồng ghép việc trợ giúp pháp lý từ Chương trình 135 với các chương trình trợ giúp pháp lý khác thì khó đạt hiệu quả cao.

 

PV: Là người trực tiếp chỉ đạo Chương trình 135 từ những ngày đầu, xin ông cho biết những kinh nghiệm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình được thành công?

 

Ông Hà Hùng: Để Chương trình 135 đem lại kết quả tốt, thứ nhất, chính quyền địa phương phải nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và có sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện. Thứ hai, các dự án phải huy động được sự tham gia của người dân từ khi lập dự án cho đến giám sát thực hiện. Thứ ba, phải chú ý bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, các ban quản lý, chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án từ Chương trình 135.

 

PV: Được biết, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng văn kiện Chương trình phát triển KT-XH các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng tới năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 này. Xin ông cho biết điểm mới của chương trình?

 

Chương trình 135 giai đoạn II (thực hiện từ năm 2006 - 2010) được triển khai thực hiện trên 1.848 xã đặc biệt khó khăn và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2010 cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%... Đến hết năm 2009, Chương trình 135 giai đoạn II đã đạt được một số chỉ tiêu: 100% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được trợ giúp miễn phí; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 31,2%. (Nguồn: UB Tài chính và Ngân sách Quốc hội)

 

Ông Hà Hùng:

Điểm mới của chương trình là người nghèo ở những bản, xã khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hơn, thuận lợi hơn cho việc đầu tư sản xuất. Chương trình sẽ phân loại từng xã đặc biệt khó khăn, từ đó có hệ số phân bổ nguồn vốn khác nhau. Chương trình cũng quan tâm tới việc trang bị kiến thức cho người dân nhiều hơn. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng: đường sá, điện, trường, trạm… được quan tâm hơn; việc phân cấp cho cơ sở làm chủ đầu tư sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

 

PV: Phương pháp tiếp cận chương trình trong giai đoạn mới có gì khác với giai đoạn II, thưa ông?

 

Ông Hà Hùng: Phương pháp tiếp cận của chương trình trong giai đoạn mới sẽ xác định mốc đối tượng được hưởng thụ chính sách, trên cơ sở đó đưa ra mục tiêu phấn đấu ở từng lĩnh vực và bố trí nguồn vốn đi kèm để thực hiện được những mục tiêu ấy trong giai đoạn 5 năm. Trong giai đoạn mới, chương trình đặc biệt quan tâm đến tỉ lệ đói nghèo, mức sống của người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo ở những vùng khó khăn có thể vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Xin cảm ơn ông!./

 

 

Theo vovnews.vn.

Tệp đính kèm