Cập nhật: 27/07/2010 17:02:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những năm gần đây, tình hình các bệnh dịch ở nước ta diễn ra liên tục, với diễn biến phức tạp. Bên cạnh những dịch bệnh mới xuất hiện, thì những bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát: tả, tay chân miệng, sốt xuất huyết... đang có những chiều hướng phát triển trở lại.

Dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả xuất hiện tại hơn mười địa phương trong cả nước làm cho hàng trăm người mắc bệnh. Ðáng chú ý, tình hình dịch năm nay không ồ ạt và tập trung như những năm trước, chỉ lẻ tẻ một vài hoặc vài chục trường hợp ở một địa phương. Ðiều này chứng tỏ phẩy khuẩn tả đang tồn tại rộng rãi trong môi trường, sẽ phát triển thành dịch khi có những điều kiện cần thiết. Chính vì vậy, các địa phương phải xử lý triệt để ổ dịch theo đúng Hướng dẫn xử lý ổ dịch tả đã ban hành. Giám sát chặt chẽ các trường hợp tiêu chảy cấp, điều tra thực phẩm và nguồn nước liên quan, không để lan rộng ra cộng đồng, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động  để phòng, chống bệnh tiêu chảy cấp. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện: Ăn chín, uống nước đã đun sôi, không uống nước lã; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc; không sử dụng nước ao, sông, kênh, rạch... nghi ngờ nhiễm bẩn để phục vụ sinh hoạt.

 

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, số người mắc và chết do sốt xuất huyết trong cả nước tuy có giảm so  năm trước, nhưng vẫn có gần 50 tỉnh, thành phố có gần 20 nghìn người mắc bệnh. Dịch vẫn tập trung ở các tỉnh phía nam và miền trung với rất nhiều "điểm nóng" cần giải quyết. Nếu không quyết liệt, dịch có khả năng bùng phát mạnh khi mùa mưa đến. Riêng tỉnh Khánh Hòa đã phải công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh, yêu cầu toàn dân tham gia "chống dịch như cứu hỏa" và đầu tư 1,3 tỷ đồng để triển khai các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch lây lan.

 

Trải qua giai đoạn nắng nóng, những ngày gần đây, mưa bão liên tục xuất hiện ở các tỉnh phía bắc, áp thấp tại các tỉnh phía nam. Theo cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, khả năng sau nắng nóng kéo dài thường là lũ lụt, các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh  sau lũ, lụt như: nhiễm khuẩn đường ruột, đau mắt, nhiễm khuẩn da, sốt xuất huyết, sốt rét... Những nơi này cần giữ vệ sinh về ăn uống, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt trong, sạch. Tổ chức tốt vệ sinh môi trường nhà cửa và khu vực chung quanh nhà, đường làng ngõ xóm ngay sau khi nước rút. Giặt sạch quần áo, chăn màn, ga đệm phơi nắng cho khô; khơi thông cống rãnh, san lấp các vũng nước đọng.

 

 

Các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể trong việc triển khai các biện pháp khống chế, đẩy lùi các loại dịch bệnh. Tăng cường hoạt động giám sát dịch để phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, hạn chế sự lây lan. Tổ chức chiến dịch phát hiện và xử lý, vệ sinh môi trường phòng, chống sốt xuất huyết và các bệnh dịch truyền nhiễm trên phạm vi toàn quốc, duy trì hoạt động này thành nhiệm vụ thường xuyên của địa phương để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm