Đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát trình bày nội dung cơ bản của Chương trình NTM giai đoạn 2010-2020.
Mục tiêu đến năm 2015, 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM, năm 2020 đạt 50% số xã. Vốn và nguồn vốn thực hiện được hoạch định như sau: 23% vốn ngân sách TƯ và địa phương từ các chương trình MTQG và dự án hỗ trợ có mục tiêu; 17% vốn trực tiếp của chương trình; 30% vốn tín dụng; 20% vốn từ các DN, HTX và các loại hình kinh tế khác; cộng đồng 10%.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng BCĐ Chương trình, công cuộc triển khai xây dựng nông thôn đã được tiến hành hàng chục năm nay. Tuy nhiên việc huy động toàn dân tham gia vào Chương trình của Chính phủ theo đúng tinh thần của Nghị quyết TƯ 7 khóa X như hiện nay là một phong trào rất lớn nên cần phát động sâu rộng tới toàn dân. Cần phải đánh giá chính xác tình hình, lập được quy hoạch, huy động và cân đối được nguồn lực. Trong đó quy hoạch phải đi trước một bước.
Về quy hoạch xây dựng NTM theo Quyết định 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đến nay mới chỉ có 50/63 tỉnh có báo cáo với tổng số xã là 6.590 xã, còn lại 2.521 xã thuộc các tỉnh chưa có báo cáo rà soát lập quy hoạch. Nhiệm vụ quy hoạch cần xác định rõ các yêu cầu cụ thể đối với phạm vi toàn xã, gồm quy mô sử dụng đất, dự báo quy mô dân số trên địa bàn xã, thôn, bản theo từng giai đoạn. Các yêu cầu về bố trí dân cư thôn, bản, mạng lưới các công trình công cộng, công trình phục vụ SX; quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối các thôn xóm với nhau, với vùng SX và các khu động lực có ảnh hưởng; yêu cầu về bảo đảm VSMT trong các thôn xóm.
Các đại biểu nhiều tỉnh cũng cho rằng, quy hoạch là khâu khó nhất và là vấn đề đầu tiên cần chú trọng. Ông Bùi Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng hiện nay việc đầu tư vào NN, NT, ND còn chắp vá, không đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của CNH – HĐH.Trong đóvấn đề quy hoạch không chỉ cho một xã mà cần phải đồng bộ, có sự liên kết giữa các xã. Từ đó mới xây dựng được nông thôn có SX phát triển, cuộc sống của nông dân sung túc, đảm bảo diện mạo làng xã thay đổi, môi trường sạch đẹp. Do đó, vấn đề quy hoạch đối với từng lĩnh vực phải đảm bảo sự đồng bộ.
“Kế hoạch rà soát quy hoạch gặp khó khăn, trong đó có yêu cầu các xã rà soát việc sử dụng đất là vấn đề phức tạp nhất”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng khẳng định. Hà Nội đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến 2012 hoàn thành quy hoạch nông thôn. Theo ông Hùng, vấn đề có tính quyết định là lập được quy hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực và làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa đặc biệt của xây dựng NTM để cộng đồng trách nhiệm, tránh trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhưng điều đáng lưu ý là mỗi quy hoạch NTM của một xã lại có 7 đến 8 quy hoạch chi tiết nên chính quyền các xã không tự làm được. Để triển khai xây dựng NTM, công tác quy hoạch phải đi trước một bước nhưng hiện nay hầu hết trong tình trạng "trắng" quy hoạch. Cá biệt như Điện Biên có đến 86/112 xã, phường chưa được lập quy hoạch. Nguyên nhân là do các địa phương tỉnh này quá rộng, có xã rộng tới mấy trăm km2 trong khi trình độ Chủ tịch xã mới chỉ hết lớp 5.
Trước khi triển khai đại trà Chương trình xây dựng NTM, Trung ương đã triển khai thí điểm tại 11 xã. Thống kê đến nay cho thấy, số vốn thực hiện đã đạt gần 500 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách chiếm 66%, người dân đóng góp 22%, còn lại DN khoảng 12%.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các địa phương thúc đẩy xây dựng quy hoạch, lựa chọn thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng trước trong đó có chỉ tiêu giáo dục, y tế, hệ thống chính trị ở cơ sở và một số điều kiện về cơ sở hạ tầng để phát triển cơ sở SX và nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. Tiêu chí giáo dục phải đạt chuẩn sớm nhất, đến năm 2020 phải đạt từ 80- 90% tiêu chí giáo dục đã đề ra.
Quy hoạch, tiền - nóng nhất
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành triển khai Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới cuối tuần qua do Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải chủ trì.
Về vấn đề quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, muốn đạt được chỉ tiêu năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp thì quy hoạch phải đi trước một bước. Đối với cấp xã cần làm tốt 3 điểm: bố trí mặt bằng không gian quy hoạch sử dụng đất cho SX; rà soát lại quy hoạch để bổ sung hạ tầng từ giao thông, thủy lợi, y tế…tất cả đều phải kết nối với huyện, và quy hoạch cụm dân cư. Xã tự làm quy hoạch, người dân cũng phải tham gia trực tiếp vào quy hoạch.
Nguồn vốn xây dựng NTM cũng là vấn đề nóng. Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lo ngại rằng: Khảo sát hiện trạng nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, đầu tư kết cấu hạ tầng của mỗi xã hết khoảng 120 tỷ đồng, số tiền trên quá lớn đối với chính quyền địa phương và người dân, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước. Tại xã Gia Phố (huyện Hương Khê) được chọn xây dựng thí điểm NTM, đến nay mới huy động được 27 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó ngân sách của tỉnh chi 1,4 tỷ đồng. Mới chỉ một xã đã như thế thì khi triển khai đại trà cho các xã không biết lấy nguồn vốn đâu để thực hiện.
Còn ông Phan Minh Túc, Chủ tịch UBND huyện K'Bang (Gia Lai), huyện có địa bàn rộng, nhiều người dân tộc thiểu số, sinh sống nên các mặt KTXH của địa phương phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn…Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ riêng đối với các xã vùng dân tộc ít người. Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở…
Nhà nước và nhân dân cùng làm
* Đưa chương trình này thành nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương
Về kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2010 - 2020, BCĐTƯ đề nghị thành lập Ban chỉ đạo các cấp ở địa phương, trong đó cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở NN- PTNT là cơ quan thường trực điều phối, giúp BCĐ tỉnh thực hiện Chương trình trên địa bàn. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phát động cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” trong quý III/2010. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thường xuyên, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM.
Phải nhận thức rõ đây là Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cụ thể hóa thực hiện một nội dung cơ bản trong Nghị quyết của Đảng về NN, NT, ND. Nếu đạt và vượt 19 tiêu chí về xây dựng NTM, diện mạo đất nước sẽ thay đổi toàn diện. Các địa phương cần lập mục tiêu cụ thể của địa phương mình chứ không dừng lại ở mục tiêu mà Chương trình MTQG đã đề ra. Bên cạnh đó, cần rà soát hiện trạng, xác định thứ tự ưu tiên các tiêu chí để triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục đào tạo và học nghề, lưu ý đào tạo cán bộ quản lý xây dựng NTM ở xã.
Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, Thủ tướng đề nghị, cần xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, làm quyết liệt, kiên trì, liên tục. Chương trình phải được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp, Nhà nước và nhân dân cùng làm, là sự nghiệp của dân, do dân, dân làm, dân hưởng. Do đó cần phải thực hiện quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, có lộ trình bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương đưa chương trình này thành nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương.
Theo NNVN