Do đặc thù thời tiết ở nước ta rất ít mưa trong các tháng mùa khô, cho nên xây dựng các hồ chứa nước ở vùng trung du, miền núi, Tây Nguyên là giải pháp tối ưu đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng trong vụ đông xuân, đầu vụ hè thu.
Nhờ thực hiện các giải pháp này mà ngay từ những thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, các địa phương đã tận dụng tối đa điều kiện địa hình trên các sông suối để xây dựng các hồ chứa phục vụ tưới cho cây trồng, cắt lũ, nuôi trồng thủy sản...
Cả nước hiện có tổng số 5.579 hồ chứa lớn nhỏ các loại, với tổng dung tích chứa nước theo thiết kế là 35,8 tỷ m3, trong đó có 26 hồ chứa của các nhà máy thủy điện, có tổng dung tích 27 tỷ m3, còn lại là các hồ chứa phục vụ tưới nước, cắt lũ là chính, một số hồ kết hợp phát điện. Vào mùa mưa, bão, việc bảo đảm an toàn các đập ở hồ chứa luôn là mối quan tâm hàng đầu ở các địa phương, bởi các công trình này bị vỡ sẽ là thảm họa đối với tính mạng cư dân và các cơ sở kinh tế vùng hạ lưu. Thiệt hại ở mức nào phụ thuộc vào quy mô cụ thể từng công trình và khả năng chủ động ứng phó khi sự cố xảy ra.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong gần 5.600 hồ chứa các loại, có 174 hồ chứa có dung tích từ năm triệu m3 nước trở lên, trong đó có 99 hồ có dung tích lớn hơn mười triệu m3, còn lại là các hồ chứa có dung tích nhỏ hơn năm triệu m3. Ðặc điểm chung là hầu hết các hồ chứa loại vừa và nhỏ được xây dựng cách đây 30 - 40 năm, khi mà rừng đầu nguồn chưa bị tàn phá nhiều, điều kiện khí hậu, thủy văn ở nước ta cũng như trên trái đất chưa có nhiều biến động lớn. Mặt khác, trình độ kỹ thuật, máy móc, phương tiện thi công thiếu, chủ yếu sử dụng lao động thủ công, vốn đầu tư nhỏ, cho nên chất lượng các công trình hồ chứa xây dựng trong thời kỳ này khó bảo đảm tính ổn định và an toàn lâu dài.
Những năm gần đây, Nhà nước và các địa phương đã đầu tư nguồn ngân sách đáng kể để nâng cấp các hồ chứa, ưu tiên nguồn vốn để sửa chữa các công trình loại vừa và lớn, đặc biệt là các công trình có độ an toàn thấp. Ðối với hàng nghìn hồ chứa loại nhỏ do tỉnh, huyện xây dựng trước đây đã xuống cấp nghiêm trọng đang gặp khó khăn về vốn để tu bổ, nâng cấp là điều đáng lo ngại khi đã bước vào mùa mưa, bão, lũ. Trong thực tế những năm gần đây, năm nào cũng xảy ra vỡ đập ở các hồ chứa nhỏ mỗi khi gặp mưa lớn, mà nguyên nhân chủ yếu do đập tràn không đủ khả năng xả lũ hoặc sự cố xuất phát từ nước rò rỉ qua thân đập, qua mang cống gây ra.
Ðể bảo đảm an toàn các hồ đập trong mùa mưa bão, lũ năm nay, các ngành chức năng phối hợp Ban chỉ huy PCLB các cấp kiểm tra, đánh giá mức độ bảo đảm an toàn các hồ chứa, nhằm xác định rõ những trọng điểm xung yếu để có phương án chủ động xử lý, ứng cứu kịp thời. Những hồ chứa thật sự thiếu an toàn, kiên quyết không có tích với mức nước cao. Ðối với các hồ chứa loại vừa và lớn có khả năng thiếu an toàn khi gặp mưa lớn phải làm thêm đập tràn sự cố, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm sự cố hư hỏng và có phương án chủ động sơ tán dân vùng hạ lưu khi cần thiết. Các hồ chứa thủy điện xây dựng theo kiểu bậc thang trên các dòng sông cần có phương án xả lũ, điều tiết liên hồ hợp lý, tránh tình trạng vỡ đập dây chuyền gây thảm họa ở vùng hạ lưu. Các tỉnh có hồ chứa cần coi trọng công tác bảo đảm an toàn hồ đập, như việc hộ đê, chống lụt, có phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ huy PCLB các cấp và thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ". Mọi công việc từ tuần tra, canh gác, phát hiện, điều hành xử lý phải luôn chủ động mới giảm được thiệt hại do vỡ hồ đập gây ra.
Theo Nhandan Online