Cập nhật: 31/08/2010 16:37:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 30-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Ðông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 350 km về phía đông Ðông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chậm theo hướng Ðông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và còn có khả năng mạnh thêm. Ðến 22 giờ ngày 31-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Ðông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 500 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 50 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

 

Trong khoảng 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Ðông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Ðến 22 giờ ngày 1-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,6 độ Vĩ Bắc; 119,1 độ Kinh Ðông, cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Ðông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 50 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

 

Trong khoảng 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Ðến 22 giờ ngày 2-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 23,8 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Ðông, cách bờ biển tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khoảng 110 km về phía Ðông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

 

 

 Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông Bắc khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Ðông) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 Biển động rất mạnh.

 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mực nước hệ thống các sông ở Trung Bộ và Bắc Bộ đang xuống dần. Dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Trung Bộ nối với tâm bão đang hoạt động cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 300 km về phía đông nam di chuyển chủ yếu theo hướng giữa bắc và bắc đông bắc có xu hướng nâng trục chậm lên phía bắc sau hoạt động yếu dần. Khoảng ngày 2, 3-9, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng lấn về phía tây, dải hội tụ nhiệt đới có khả năng được thiết lập trở lại và có trục đi qua Bắc Trung Bộ.

 

Hiện nay, mực nước hạ lưu các sông ở Thanh Hóa đang xuống. Mực nước hạ lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình đang lên, các sông ở nam Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có dao động nhỏ, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Mực nước sông Cả tại Nam Ðàn là 4,87m; sông Gianh tại Mai Hóa 0,83m; sông Srê-pốc tại Bản Ðôn 169,11m. Dự báo, mực nước các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên và có khả năng ở mức báo động 1.

 

Hiện lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền nam và miền trung đã được cải thiện. Mực nước các hồ thủy điện Trị An, Thác Mơ, Buôn Kuốp, Ðại Ninh, hồ Ia Ly, Sông Hinh, A Vương, Buôn Tua Srah cao hơn mực nước chết 1,4-3 m. Mực nước các hồ thủy điện phía bắc đã cao hơn hoặc bằng cùng kỳ năm 2009 từ 3 đến 7 m. Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình đạt 101,49 m, hồ Tuyên Quang 106,72 m, hồ Sơn La 157,14 m. Tuy nhiên, theo dự báo, lưu lượng nước về các hồ phía bắc đang giảm nhanh.

 

Ban chỉ đạo PCLB T.Ư vừa có Văn bản số 228/PCLB T.Ư gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Quảng Ninh; các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải điều chỉnh vùng nguy hiểm của bão số 4. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định phía bắc vĩ tuyến 19.

 

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến nay, tổng số tàu, thuyền được kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng phòng, tránh bão số 4 là 52.330 tàu, thuyền (237.486 người). Trong đó, hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa 13 tàu (181 người); khu vực khác và neo đậu tại bến 52.317 tàu (237.305 người). Tàu QNg 95743 của Quảng Ngãi đã lai dắt tàu QNg 95438 vào cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) an toàn.

 

Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, do hoàn lưu bão số 3 và ảnh hưởng bão số 4, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Lào Cai... có mưa to trên diện rộng, lượng mưa phổ biến 70-150 mm, gây ngập lụt nghiêm trọng cho nhiều vùng trong khu vực này. Nhiều thôn xã bị nước lũ chia cắt, hơn 10 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng và có nguy cơ bị mất trắng. Các tỉnh đang huy động toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước cứu diện tích lúa bị ngập úng; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, ứng cứu kịp thời khi có tình huống bất thường do thời tiết gây ra, phấn đấu trong ba ngày tới sẽ tiêu thoát hết nước trên những diện tích lúa đang bị ngập úng.

 

Một tuần qua, ở TP Yên Bái liên tục có mưa làm xảy ra vụ sập đất, gây đổ một bức tường của ngôi nhà xây tạm, làm chết một người tại tổ 14, phường Ðồng Tâm, TP Yên Bái (Yên Bái). Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Khánh 45 tuổi quê ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Tại Lào Cai có mưa và dông diện rộng. Nước các sông, suối trên địa bàn đang ở mức cao và đã gây thiệt hại một số diện tích hoa màu, ao cá ở các huyện Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát... nhiều nơi bị ách tắc cục bộ. Ngoài ra, mưa lũ làm hư hại hơn mười nhà, nhiều diện tích lúa ở xã Cán Hồ, huyện Si Ma Cai; xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà...

 

Tại Hà Nam, đợt mưa hơn 150 mm đã làm hơn 6.000 ha lúa mùa bị ngập úng. Chi cục Thủy lợi của tỉnh huy động toàn bộ hệ thống trạm bơm tiêu thoát nước cứu diện tích lúa bị ngập úng; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ, ứng cứu kịp thời khi có tình huống bất thường do thời tiết gây ra. Tại huyện Gia Viễn (Ninh Bình), nước lũ đã cuốn trôi một người khi đi qua đập tràn xã Gia Thanh; hàng nghìn ha lúa, hoa màu ở các xã bị mất trắng. Do nước lũ đổ về đột ngột đã gây ngập nặng trên tuyến quốc lộ 1A, làm đổ một xe tải, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Nước từ thượng nguồn phía bắc đổ về kết hợp với mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại vùng phân lũ chậm lũ hai huyện Nho Quan và Gia Viễn. Nhiều hộ dân đã phải sơ tán lên núi, đến các địa điểm trường học, trụ sở thôn, hay nhờ tàu lớn các hộ để trú ngụ.

 

Tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.000 ha lúa bị ngập úng. Các huyện đã chủ động huy động máy bơm tiêu nước, phân công cán bộ túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, rà soát những tuyến đê xung yếu, kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố có thể xảy ra. Từ ngày 26 đến nay, lượng mưa đo được ở Thanh Hóa phổ biến 110 - 200 mm. Hai ngày qua, tỉnh Nghệ An có mưa lớn, làm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị ngập nước, giao thông đi lại khó khăn. Tỉnh chỉ đạo ngành giao thông khắc phục sạt lở đường,  bảo đảm đi lại an toàn cho người và phương tiện, đặt các biển cảnh báo tại các tuyến đường 534, 46, quốc lộ 7, 48 để báo hiệu cho người tham gia giao thông những vị trí có nguy cơ không an toàn do ngập lụt và sạt lở đường. Tỉnh cũng yêu cầu các xã lên phương án di dời các hộ dân tại 15 vùng có nguy cơ lũ quét cao ở các huyện miền núi. Sau cơn bão số 3, Hà Tĩnh bị thiệt hại khá nặng nề về sản xuất nông nghiệp, hơn 8.500 ha lúa hè thu bị ngập, gần 2.800 ha cây lương thực ngắn ngày và cây ăn quả bị đổ gãy, ngập nước và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại trồng trọt ước hơn 57 tỷ đồng. UBND tỉnh dự kiến trích ngân sách 2,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân giống ngô, rau màu, khoai lang giúp bà con sản xuất vụ đông đúng kế hoạch.

 

Lũ về muộn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

 

Theo Phòng Dự báo Ðài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, đến cuối tháng 8 lũ vẫn chưa về đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). So với cùng kỳ nhiều năm trước, mực nước trên các sông Tiền, sông Hậu hiện thấp hơn 0,8 - 1,4 m. Lũ về chậm khiến hàng trăm nghìn hộ dân lo lắng do thiếu nguồn thủy sản tự nhiên và lo vụ lúa đông - xuân tới thiếu phù sa, không đủ nước tháo chua, rửa mặn. Dự kiến đến giữa tháng 10-2010, lũ trên các sông ở ÐBSCL mới đạt đỉnh, nhưng sẽ thấp hơn nhiều so với năm trước.

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm