Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang là một vấn đề xã hội cấp bách. Để trẻ em được an toàn, phải có sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các ngành, các cấp, đặc biệt là nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cơ sở.
Thời gian qua, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều trẻ em bị chính người thân hoặc những người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc có hành vi bạo lực. Điển hình là các vụ: Cháu Hồng Anh, 4 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị người cha hờ đánh đập, hành hạ dã man, cháu Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngược đãi. Cháu Nguyễn Hào Anh 14 tuổi ở tỉnh Cà Mau bị vợ chồng chủ trại nuôi tôm Minh Đức hành hạ trong suốt thời gian dài. Gần đây nhất là cháu Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ dã man khiến khắp cơ thể cháu sưng phù, tái tím…
Tình trạng bạo lực trong và ngoài trường học của học sinh vẫn tiếp tục xảy ra làm không yên lòng các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đáng lưu ý là các vụ học sinh nữ đánh nhau, làm nhục bạn rồi quay phim tung lên mạng và coi đó như là chiến tích để thể hiện mình trước mọi người. Một tình trạng nữa cũng rất đáng báo động trong thời gian gần đây là trẻ em bị xâm hại tình dục.
Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục tăng, biến động thất thường, năm nào ít cũng trên 800 vụ, có khi lên đến 1.500 vụ. Xâm hại tình dục luôn là vấn đề báo động, không chấp nhận được, làm suy đồi về mặt đạo đức. Gần đây, vấn đề này lại càng trở nên báo động hơn bao giờ hết vì có những vụ xâm hại khi trẻ em mới chỉ 5-6 tuổi”.
Theo báo cáo của Bộ Công an, bình quân mỗi năm xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục, 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự. Từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước xảy ra khoảng 1.500 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã xử lý kỷ luật khiển trách gần 900 học sinh. Tình trạng buôn bán, bắt cóc trẻ em vì mục đích thương mại cũng có xu hướng gia tăng. Năm 2008 có khoảng 200 em là nạn nhân của việc buôn bán thì đến năm 2009 con số này đã tăng lên gấp 3 lần.
Trong nhiều nguyên nhân và tác động dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em, cần nhấn mạnh đến nguyên nhân về quản lý nhà nước và trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp. Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng đã xảy ra cho thấy có những vấn đề thuộc về thi hành pháp luật, năng lực quản lý, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ, công chức có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, chưa tạo dựng được môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Hệ thống bảo vệ trẻ em nói chung và mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em nói riêng chưa phát triển. Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc tới là nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế.
Bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu. Nhiều gia đình do kinh tế khó khăn, hôn nhân gia đình bất ổn. Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý giáo dục trẻ em và thanh, thiếu nhi. Việc phát hiện, xử lý một số vụ việc còn chưa kịp thời và nghiêm minh.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em, cần nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em. Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho mọi trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, để ngăn chặn bạo lực học đường cần làm tốt công tác phòng ngừa từ xa, phải có sự chung tay phối hợp của các ngành các cấp, đặc biệt phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của mỗi nhà trường, mỗi gia đình và từng chính quyền địa phương cơ sở. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gắn với việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Tình trạng bạo lực học đường, ngược đãi hành hạ con trẻ đã và vẫn đang xảy ra ở nơi này, nơi khác. Đây là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận nhỏ của xã hội, coi thường pháp luật và đi ngược lại đạo lý, văn hóa truyền thống của dân tộc. Để trẻ em được an toàn, được bảo vệ rất cần sự vào cuộc đầy trách nhiệm, tình thương yêu của người lớn. Bên cạnh đó, cần có các hình phạt nghiêm khắc hơn để xử lý các đối tượng xâm hại trẻ em./.
Theo vovnews.vn.