Cập nhật: 27/10/2010 16:30:06 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng khi Luật mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Theo một khảo sát do Viện Khoa học Pháp lý thực hiện, gần 65% số người được hỏi khẳng định bị thiệt hại do hàng hoá dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Còn theo Báo cáo Khảo sát thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, các vi phạm chủ yếu về chất lượng chiếm 17,6%, tiếp đến là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, đo lường (điển hình là các sản phẩm sữa). Chưa kể tình trạng hàng giả tràn lan, xâm hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng.

 

Các vi phạm về chất lượng xảy ra chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm... Những hàng hóa này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng các “thượng đế” lại không hề biết rằng mình đã và đang phải dùng sản phẩm kém chất lượng.

 

Có thể thấy qua các vụ việc như sản xuất “nước tương đen” có chứa chất gây ung thư; một số cây xăng gian lận trong đo lường; hay các cơ sở kinh doanh mỡ động vật mất vệ sinh không rõ nguồn gốc; sữa bột chứa chất melamine; rau trồng bằng nguồn nước ô nhiễm…

 

Hàng năm, số vụ khiếu nại của người tiêu dùng khá lớn. Năm 2009, hai Văn phòng của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 310 hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng. Tính đến hết tháng 9/2010, con số này là khoảng 200, chưa kể các trường hợp tiếp nhận khiếu nại và tư vấn qua điện thoại.

 

Trong số các hồ sơ khiếu nại, khoảng 80% vụ đã được giải quyết thành công và có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc. Tiến sĩ Vương Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn và giải quyết khiếu nại (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam) cho biết, trên thực tế, việc giải quyết khiếu nại đối với các doanh nghiệp Nhà nước cũng như đối với các cơ quan Nhà nước còn rất chậm, đôi khi kết quả không thoả đáng…

 

Trên thực tế, số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn lớn hơn nhiều so với số vụ khiếu nại. Điều này cho thấy, có thể do người tiêu dùng thiếu thông tin hoặc hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, hoặc không tin tưởng vào năng lực giải quyết của các cơ quan quản lý... và cũng có trường hợp là không biết phải tìm kiếm sự trợ giúp từ ai và như thế nào. Vì thế, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết khiếu nại và giải quyết bồi thường trong trường hợp vi phạm là điều cần thiết.

 

Các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của văn phòng tư vấn giải quyết khiếu nại đều không thu phí. Tuy nhiên, xét cho cùng công tác này là hoạt động của cơ quan nhà nước nhưng hiện nay lại chưa được ghi nhận và cũng không có kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

 

Hiện nay, cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong nước đã có nhưng mới chỉ nêu ra các quy định mà chưa phân tích sâu các trường hợp cụ thể. Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ vi phạm, mà có chế tài áp dụng cụ thể về tài chính và hình sự (cảnh cáo, phạt tiền, rút thẻ) nhưng không nói đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự như quảng cáo, sản xuất hàng nguy hiểm và độc hại.

 

Một số hành vi ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng nhưng lại không quy định như cân đo sai hay sản xuất các sản phẩm sai chất lượng. Việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng mới chỉ đề cập các khiếu nại của tổ chức kinh doanh mà chưa có những khiếu nại liên quan đến đơn vị hành chính của tổ chức nhà nước.

 

Sự gia tăng sai phạm trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thời gian qua cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm phạm quyền lợi với quy mô rộng và tính chất ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng hiện nay chưa đủ mạnh, khiến cho các “thượng đế” vẫn ở thế yếu.

 

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương phân tích: Cục Quản lý Cạnh tranh là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất đối với các vấn đề về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Giải quyết một loạt tranh chấp của người tiêu dùng là vấn đề vô cùng phức tạp. Chính vì vậy làm tốt công tác quản lý cạnh tranh góp phần làm cho nền kinh tế đất nước phát triển lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng cũng được bảo vệ tốt hơn.

 

Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động giải quyết tranh chấp, khiếu nại có thể do người tiêu dùng, do bộ máy thực thi bảo vệ người tiêu dùng còn yếu kém, nguồn lực còn mỏng và một phần là do doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc dù hiện nay, mạng lưới giải quyết khiếu nại được mở rộng hơn nhưng mới chỉ là bước đầu tiên.

 

Hy vọng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ thực sự phát huy hiệu quả khi được Quốc hội “bấm nút” thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Chúng ta đều mong muốn đưa ra một môi trường thuận lợi cho Luật Bảo vệ Người tiêu dùng được thực thi trong cuộc sống./.

 

 

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm