Cập nhật: 29/10/2010 15:22:36 Article Rating
Xem cỡ chữ

CVĐ “Ngày vì người nghèo” do MTTQ Việt Nam khởi xướng đã trải qua 10 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để đem đến kết quả cho một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, cuộc vận động này vẫn phải tiếp tục vì người nghèo thì vẫn còn, chỉ có tiêu chí nghèo là có thể thay đổi.

 

Mới đây, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành tổng kết cuộc vận động có ý nghĩa này. Theo báo cáo, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, đã có hàng vạn hộ nghèo trong cả nước được chia sẻ, giúp đỡ, trong số đó có những hộ đã thoát nghèo. Đó là kết quả đáng ghi nhận của một phong trào tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”...

 

Tuy nhiên, việc giúp đỡ người nghèo cần phải có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc đưa ra những cơ chế chính sách tạo điều kiện để người nghèo có cái cần câu chứ không chỉ là cho con cá. Điều này cần phải được tất cả mọi người trong khu dân cư ghi nhớ chứ không phải chỉ đến một ngày nào đó thì mọi người lại nộp một số tiền theo sự kêu gọi của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể như hiện nay. Có nhiều người đóng xong tiền là coi như xong, chẳng để ý gì đến người nghèo nữa. Có những gia đình nghèo được tặng nhà Đại đoàn kết xong thì được coi là hết nghèo, không ai quan tâm đến cuộc sống thường nhật của họ, mặc dù gia chủ là những người già cô đơn hoặc người tàn tật, kém may mắn trong cuộc sống, không còn khả năng lao động.

 

Nếu ủng hộ người nghèo chỉ bằng cách trừ lương đối với cán bộ công nhân viên chức, ở khu dân cư thì ông tổ trưởng dân phố đến từng nhà thu ít nhất 10.000 đồng thì thật đáng buồn. Đến bao giờ trong suy nghĩ của người dân mới tồn tại một ý thức về sự chia sẻ vì người nghèo.

 

Theo tiêu chí mới của Chính phủ  mỗi người dân ở nông thôn có thu nhập dưới 400.000 đồng/tháng, còn ở thành phố dưới 500.000 đồng/tháng thì thuộc diện người nghèo. Với tiêu chí đó thì đến năm 2015 cả nước sẽ còn 3,3 triệu hộ nghèo, tương đương với 15 triệu người nghèo khổ. Đó là số liệu do các chuyên gia tính toán, còn trên thực tế số người nghèo còn cao hơn nhiều. Bên lề hội nghị, nhiều vị trưởng ban công tác Mặt trận khẳng định rằng ngay tại nhiều vùng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội, nếu điều tra tỉ mỉ thì rất ít gia đình sống thuần nông có được thu nhập như vậy. Còn tại tỉnh Yên Bái, tại hội nghị sơ kết Ngày vì người nghèo, cán bộ cơ sở phản ánh với chúng tôi rằng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại càng không thể có thu nhập được như vậy. Đó là chưa kể đến số tiền 400.000 hoặc 500.000đồng thì một người cũng không thể sống trong một tháng vì giá cả đắt đỏ như hiện nay.

 

Giúp đỡ người nghèo thoát nghèo là cả một vấn đề lớn, một chiến lược quốc gia chứ không thể thi thoảng cho một vài “con cá” mà thoát nghèo được. Khi còn sống, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết, đại ý rằng: “Bằng cơ chế, chính sách chúng ta có thể giúp hàng triệu nông dân giảm nghèo có hiệu quả...”. Khi triển khai “khoán 10”, hàng triệu gia đình nông dân đã không còn đói nghèo nữa, đó là điều chứng minh cho chân lý đó.

 

Chỉ còn 10 năm nữa (2020) nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo trong nhân dân ngày càng lớn. Cần phải có một cuộc đánh giá sát thực tình trạng nghèo ở nước ta trên cơ sở điều tra thực tế, để từ đó đề ra chiến lược cụ thể. Một cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho người nghèo từng bước xóa nghèo bền vững, đó là việc làm cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

 

 

 

                Theobaodaidoanket.com.vn

Tệp đính kèm