Cập nhật: 15/11/2010 14:59:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

19/19 tỉnh, thành phố đã thành lập được Ban chỉ đạo cấp huyện, 13/19 tỉnh, thành ban hành chỉ thị về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng, 17/19 tỉnh, thành đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết của Đảng bộ.

Đó là một số kết quả được đưa ra tại Hội nghị Báo cáo thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến hết năm 2010 của 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ diễn ra mới đây tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang).

 

Ráo riết triển khai

 

Thực hiện thí điểm mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn là mục tiêu quan trọng được đề cập trong Quyết định 1956. Theo đó, các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều lựa chọn mô hình dạy nghề liên quan đến sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp có hiệu quả, gắn với các ngành nghề là thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện đào tạo chưa đúng theo hướng dẫn của Quyết định, hầu hết các địa phương sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện mô hình thí điểm giống như cách triển khai của chương trình mục tiêu dạy nghề, chưa chọn được mô hình tiêu biểu, mang lại hiệu quả cao để nhân ra diện rộng.

 

Về công tác tuyển sinh theo mô hình, các tỉnh đã quy hoạch, xây dựng mô hình cụ thể để người lao động chọn lựa nghề học cho phù hợp. Đa số các tỉnh sử dụng phương pháp tuyển sinh đào tạo qua các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Hiện các tỉnh đang tiến hành lựa chọn nghề cho lao động nông thôn và xây dựng chương trình, giáo trình nhưng chưa bố trí được biên chế cho công tác dạy nghề.

 

“Mổ xẻ” những tồn tại

 

Ông Châu Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng: “Công tác điều tra, dự báo nhu cầu đào tạo nghề diễn ra sơ sài, trong một thời gian ngắn nên cần có một đợt điều tra nữa. Thứ hai, nếu khoán cho các trung tâm dạy nghề thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì hiệu quả sẽ cao hơn”.

 

Các đại biểu tham gia Hội nghị đều đánh giá việc triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND các tỉnh. Đa số các tỉnh đã đưa nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2011 - 2015. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của các tỉnh, thành bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của người lao động trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như công tác hướng dẫn thực hiện Đề án chưa cụ thể, chưa hoàn thiện và triệt để tới cơ sở và từng người dân; cơ sở vật chất, thiết bị của các trung tâm dạy nghề còn thiếu và yếu; hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động ở các địa phương còn thiếu chính xác; lựa chọn nghề đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động cũng như doanh nghiệp.

 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do nhận thức của một số lãnh đạo, hội đoàn thể và bản thân người lao động về tầm quan trọng của công tác dạy nghề còn chưa đồng đều; kinh phí phân bổ cho một số hoạt động như tuyên truyền, điều tra, khảo sát và dự báo còn thấp, chưa kịp thời; các cơ sở dạy nghề ở địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo lao động nông thôn...

 

Ông Dương Đức Lân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) yêu cầu: “Các tỉnh, thành phố cần sớm ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện đề án các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục hoàn thiện Đề án đào tạo nghề đến năm 2020 đến cấp tỉnh; rút kinh nghiệm mô hình thí điểm về dạy nghề cho lao động tại các xã điểm, huyện điểm để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút người dân tham gia học, nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển”.

 

 

 

Theo kinhtenongthon.com.vn

 

Tệp đính kèm