Trong gần 2 thập kỷ vừa qua, ODA đã đóng vai trò quan trọng cùng với các nguồn vốn khác huy động từ bên ngoài, kết hợp chặt chẽ với các nguồn lực trong nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Thời gian tới, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ phải đối mặt với thực tế là viện trợ không hoàn lại, vay ưu đãi ODA sẽ giảm mà vốn vay kém ưu đãi sẽ tăng.
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Triển vọng hợp tác phát triển của Việt Nam trong thời kỳ 2011-2015”. Hội thảo tập trung thảo luận, đưa ra những đóng góp vào Đề án thu hút, quản lý và sử dụng ODA thời kỳ 2011-2015.
Theo ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn phát triển sau năm 2010, trước mắt là thời kỳ 5 năm 2011-205, Việt Nam chủ trương tiếp tục huy động các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có viện trợ để hỗ trợ thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015.
Trong gần 2 thập kỷ vừa qua, ODA đã đóng vai trò quan trọng cùng với các nguồn vốn khác huy động từ bên ngoài, kết hợp chặt chẽ với các nguồn lực trong nước đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Song, trong bối cảnh của nước thu nhập trung bình, theo thông lệ quốc tế, viện trợ được dành nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp, do vậy chính sách tài trợ cho Việt Nam của các đối tác phát triển đang và sẽ thay đổi, cơ cấu và các điều kiện cho vay theo hướng tổng quát là viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn vay ODA ưu đãi cũng giảm; vốn vay kém ưu đãi sẽ tăng. Đây là những vấn đề mà các đại biểu đánh giá là những thách thức chính trong hợp tác phát triển mà Việt Nam và các đối tác phát triển của mình phải tìm cách vượt qua.
Đánh giá của ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang ở mức trung bình và đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội khả quan, tương đối ổn định. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam không hoàn toàn chỉ có những thuận lợi mà vẫn còn những thách thức kèm theo như: nguồn nhân lực chưa phát triển tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô để đối đầu với những khủng hoảng, cải cách hành chính, cộng với thực hiện các giải pháp để ổn định chính sách tiền tệ.
Được biết, các đối tác phát triển của Việt Nam, trong đó có nhiều nước là đối tác chiến lược đã cam kết tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam trong thời kỳ mới sau năm 2010. Như vậy, có thể nhận định tương lai viện trợ phát triển dành cho Việt Nam sẽ tiếp tục, song đó là một sự tiếp tục trên cơ sở quan hệ đối tác viện trợ mới thích ứng với những thay đổi của một nước đạt mức độ thu nhập trung bình.
Ông Hàn Mạnh Tiến – Công ty tư vấn Concetti (đơn vị trực tiếp xây dựng Đề án thu hút, quản lý và sử dụng ODA thời kỳ 2011-2015) đưa ra kết quả khảo sát về tình hình sử dụng vốn ODA tại một số địa phương giai đoạn 2006-2010. Trong đó, nêu rõ: Nhiều địa phương vẫn coi ODA là khoản cho không và do ngân sách Nhà nước chi trả. Bên cạnh đó, một số nơi cơ quan chủ quản cũng là cơ quan giám sát đầu tư ODA. Tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã khiến cho việc sử dụng ODA chưa hiệu quả.
Chính vì thế, theo kiến nghị của cơ quan tư vấn, là thời gian tới cần có các nguyên tắc, định hướng ưu tiên sử dụng ODA (các ngành và lĩnh vực ưu tiên, ưu tiên theo vùng, theo phương thức tài trợ) và nên cân nhắc tới việc tham gia của tư nhân đối với việc thực hiện nguồn vốn này…/.
Theo vovnews.vn