Cập nhật: 27/11/2010 10:16:34 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Nếu cứ một khoảng thời gian lại xuất hiện một vụ việc bạo hành trẻ trên phương tiện thông tin đại chúng là không ổn và đã đến lúc vai trò của nhà nước phải mạnh mẽ hơn”, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trương Thị Mai bày tỏ.

Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm UB các vấn đề về xã hội của Quốc hội, Trương Thị Mai cho rằng, vụ bạo hành trẻ tại Bình Dương vừa qua cùng với hàng loạt vụ việc đã đưa lên phương tiện thông tin đại chúng đã làm cho xã hội cảm thấy bất an...

 

Theo bà Mai, mỗi khi có vụ việc bạo hành xảy ra, chính quyền địa phương cơ, quan quản lý nhà nước trên địa bàn đều tới giải quyết và thường các vụ việc được đưa ra xử hình sự rất nặng, nhưng như thế vẫn là… chưa đủ. “Từ những vụ việc đơn lẻ phải có hướng nhìn chung ở góc độ nhà nước và tôi mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường trách nhiệm cao hơn”, bà Mai bày tỏ.

 

Cụ thể, các bộ phải đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật với những quy định rất cụ thể về tiêu chí và điều kiện cấp phép cho các nhà trẻ, trong khi chính quyền các cấp bên dưới phải có sự rà soát cấp phép toàn bộ hệ thống nhà trẻ trên phạm vi toàn quốc.

 

“Phải ngăn chặn những vụ việc như ở Bình Dương vừa rồi. Nếu cứ để một vài tháng lại rộ lên một vụ việc, xã hội không an tâm, người dân không an tâm và như thế, chúng ta không bảo vệ tốt cho người dân, đặc biệt là trẻ em.”, bà Mai nhấn mạnh.

 

Đi vào các vấn đề có tính “đặc thù” tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, theo bà Mai, quá trình khảo sát thực tiễn của UB về các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để tới đây thẩm tra Luật Lao động sửa đổi cho thấy, dù đã có quy định các khu này phải có nhà trẻ để lao động nữ gửi con, nhưng thực tế lại gần như… không có.

 

“Nghịch lý hiện nay là lãnh đạo các khu công nghiệp cho rằng, họ không có điều kiện tổ chức nhà trẻ, còn người lao động lại không yên tâm đi làm ở các khu công nghiệp khi gửi con ở những nơi chưa cảm thấy an toàn. Vấn đề trên tạo nên tình trạng bất an cho cả người quản lý khu công nghiệp, cho cả người lao động đi làm việc khi có con nhỏ”, bà Mai phân tích.

 

Thực tế, các khu khu công nghiệp thường bắt đầu bằng việc xây dựng các nhà máy, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nhà máy và khi hoàn thành, không còn đất để cho các nhà trẻ. Cũng có khu công nghiệp xây được nhà trẻ, thuê được giáo viên, nhưng chi phí quá lớn, trong khi không có tiền để hỗ trợ và lương công nhân với mức 2 - 2,5 triệu/ tháng không thể gánh được.

 

Theo bà Mai, với vụ việc đau lòng vừa qua ở Bình Dương, hai vợ chồng là công nhân gửi con chỉ 300.000đ/tháng và họ “khó lòng” có thể gửi ở những nơi có mức chi phí cao hơn. “Cha mẹ buộc lòng phải gửi con ở những nơi có thể không thực sự cảm thấy an tâm, nhưng chi phí phù hợp với đồng lương của họ”, bà Mai phân tích.

 

Cũng theo bà, hiện nay tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai có hàng trăm ngàn công nhân lao động của các tỉnh tới làm việc tại đây, tạo nên sự phát triển của cả khu vực Đông Nam Bộ. “Đó là đóng góp của lao động nhập cư, nhưng ta lo được gì cho lao động nhập cư lại là câu hỏi rất trăn trở”, bà Mai tiếp.

 

Theo bà, một trong những mục tiêu đặt ra cho việc sửa đổi luật Lao động tới đây là giải toả được vấn đề nói trên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có thể hướng được đề xuất là Nhà nước phải hỗ trợ để chi phí gửi trẻ phù hợp với đồng lương của công nhân.

 

“Nếu cứ một khoảng thời gian lại xuất hiện một vụ việc bạo hành trẻ trên phương tiện thông tin đại chúng là không ổn và đã đến lúc vai trò của nhà nước phải mạnh mẽ hơn”, bà Mai nhấn mạnh.

 

 

Theo Dantri.com

Tệp đính kèm