Cập nhật: 01/12/2010 16:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu trong năm 2006 Việt Nam phát hiện 20.000 – 30.000 người nhiễm/năm thì đến nay chỉ còn khoảng 15.000 – 20.000 người. Năm 2005 – 2006, tỷ lệ người nhiễm trong nhóm tiêm chích ma túy khoảng 29% thì đến cuối năm 2009, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18%.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y Tế về những nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam.

 

PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong 20 năm qua?

 

Ông Chu Quốc Ân: Đảng, Nhà nước cam kết rất mạnh mẽ, thể hiện bằng những chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng, Luật của Quốc hội, chiến lược và các Nghị định của Chính phủ… Tiếp theo đó là việc hình thành được mạng lưới phòng chống AIDS từ Trung ương tới cơ sở ngày càng hoạt động có hiệu quả. Có thể nói, trong 20 năm qua, chúng ta đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của cả cộng đồng dân cư trong công tác phòng và chống HIV/AIDS.

 

Việt Nam đã thông qua chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004 và triển khai các hợp tác quốc tế, những thực hành tốt nhất trên thế giới liên quan đến lĩnh vực HIV/AIDS, bao gồm cả các can thiệp rất đặc thù như: Phân phát bơm kim tiêm cho người nghiện chích ma túy, phát bao cao su cho người bán dâm, điều trị thay thế dạng thuốc phiện như Menthadone cho người nghiện… Những biện pháp này được chứng minh có hiệu quả ở nhiều nơi. Các thực hành tiếp theo như tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, tư vấn trước xét nghiệm, tư vấn sau xét nghiệm, các thực hành lây truyền HIV từ mẹ sang con, các thực hành điều trị nhiễm HIV/AIDS, các thực hành an toàn truyền máu, nhiễm khuẩn qua đường tình dục… đều áp dụng và có kết quả nhất định.

 

Chúng ta đã kiềm chế được tốc độ lây lan của HIV, thể hiện qua số người mới phát hiện HIV giảm theo từng năm. Cụ thể, năm 2006 trở về trước, nước ta phát hiện được từ 20.000 – 30.000 người bị nhiễm mỗi năm, thì đến nay số người nhiễm là 15.000 – 20.000 người/năm. Như vậy số lượng đã giảm từ 15.000 – 20.000 người mỗi năm, mặc dù số mẫu xét nghiệm năm nào cũng tăng (nếu so với năm 2007 thì nay số mẫu xét nghiệm tăng lên gấp đôi). Trên thực tê,́ số người mới nhiễm HIV ở Việt Nam có xu hướng giảm, đồng nghĩa với việc chúng ta đã kiềm chế được tốc độ lây lan của HIV.

 

Vào năm 2005 – 2006, tỷ lệ người nhiễm HIV trong số người tiêm chích ma túy vào khoảng 29%. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18%, có khoảng hơn 10.000 người nghiện chích ma túy không nhiễm HIV. Tương tự, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm bình quân đã giảm từ 6% năm 2006 đã giảm xuống 3% năm 2009.

 

PV:  Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đã được quan tâm và tiến hành như thế nào, thưa ông?

 

Ông Chu Quốc Ân: Chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV là một trong những chiến lược quan trọng của toàn bộ công cuộc phòng chống AIDS. Muốn dự phòng tốt lây nhiễm HIV, một trong những hoạt động cần phải làm là giảm hành vi không an toàn của bản thân những người nhiễm HIV. Đồng thời, làm giảm lượng virus trong người nhiễm HIV. Như vậy HIV sẽ không lan truyền được từ người đã nhiễm sang người chưa nhiễm thông qua các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ điều trị đặc biệt, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người nhiễm được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

 

Mặt khác, chúng ta đã tuyên truyền vận động, hỗ trợ các phương tiện an toàn, chăm sóc điều trị kéo dài thời gian sống của nhiễm HIV, cải thiện cuộc sống của họ.

 

Vấn đề công ăn việc làm cho người nhiễm HIV trong thời gian qua đã được tạo điều kiện trên phạm vi cả nước. Chính phủ đã có một số chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ người nhiễm HIV và người sau cai nghiện ma túy có công ăn việc làm.

 

PV: Xin ông cho biết thêm về sự phối hợp giữa Cục phòng chống HIV/AIDS với các ngành trong việc tạo việc làm cho người có HIV?

 

Ông Chu Quốc Ân: Về khía cạnh chuyên môn, Cục phối hợp cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Nhà nước ban hành các chính sách, phối với các Bộ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp nhận người HIV, người sau cai nghiện vào làm việc.

 

Cũng phải nói thêm, khó khăn ở đây là nhiều người nhiễm HIV xuất phát từ người tiêm chích ma túy, bán dâm nên do hạn chế về học vấn, hoàn cảnh gia đình, họ không có điều kiện tiếp cận với các kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc. Điều đó đặt chúng ta trước nhiều khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn cần phải có rất nhiều thời gian.

 

Muốn giải quyết việc làm cho người nhiễm HIV thì ngoài cố gắng của Nhà nước thông qua ngành LĐTB&XH, ngành Y tế và các ngành khác thì chúng ta phải có chính sách, các cuộc vận động giúp người HIV có thể được học nghề, giúp họ tự tổ chức việc làm, tìm kiếm các nguồn thu nhập.

 

PV: Thưa ông, công tác phòng chống HIV hiện nay còn gặp những khó khăn gì?

 

Ông Chu Quốc Ân: Khó khăn thì còn rất nhiều, bởi vì bản thân dịch HIV rất khó chống, nó là 1 loại dịch nhưng các biện pháp phòng chống dịch truyền thống như: Bao vây, dập dịch, cách ly người bệnh đều không thể áp dụng được trong phòng chống HIV.

 

Trong khi đó, HIV không phải là môn học được đào tạo chính thống trong các trường Y, chưa có bác sỹ chuyên ngành HIV/AIDS nên chúng ta phải tiến hành theo hướng đào tạo liên tục cho người đang đi làm. Việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn và cần có thời gian.

 

Khó khăn tiếp theo, có thể là các nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai công tác dự phòng, các điều kiện kinh tế tài chính để đảm bảo cho dự phòng, chăm sóc và điều trị. Muốn xét nghiệm thì phải có máy móc, phương tiện xét nghiệm, như máy xét nghiệm CD4, những vật lực này rất cần thiết. Tiến tới chúng ta muốn đo tải lượng virus để xem việc điều trị có hiệu quả không thì phải có máy móc thiết bị, mà máy đó rất đắt. Một xét nghiệm đo tải lượng virus có thể lên tới 1 triệu đồng/lần.

 

Về mặt kinh phí cũng vậy, 1 bệnh nhân điều trị AIDS ở phác đồ bậc 1 có thể mất 200 USD tiền thuốc, nếu điều trị bằng phác đồ bậc 2 có thể tăng lên 2.000 USD/năm. Chi phí rất tốn kém, do vậy phải tìm kiếm các giải pháp, huy động nguồn lực một cách phù hợp. Đặc biệt, trong hoàn cảnh có thể khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì sự tài trợ của quốc tế cho các chương trình xã hội, trong đó có chương trình phòng, chống HIV có thể sẽ bị giảm đi.

 

Khó khăn tiếp theo có thể kể đến là một số văn bản, quy phạm pháp luật của chúng ta có tính chất pháp lý cao như Luật Phòng chống AIDS mới có hiệu lực từ 1/1/2007, việc triển khai phải có thời gian để người dân biết Luật và thực hiện Luật.

 

Khó khăn nữa là sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta còn khá nặng nề. Việc này cần nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp, các phương tiện thông tin đại chúng, người nhiễm HIV và gia đình họ thì mới giải quyết được̉.

 

PV: Sự phối hợp trong công tác phòng chống HIV/AIDS giữa Việt Nam với các nước trên thế giới như thế nào thưa ông?

 

Ông Chu Quốc Ân: Hợp tác quốc tế là 1 trong 9 chương trình hành động của Chiến lược quốc gia phòng chống AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Không riêng gì trong chiến lược, trước khi có chiến lược, chúng ta đã quan tâm đến vấn đề hợp tác trong công tác phòng chống.

 

Cam kết lớn nhất của toàn cầu hiện nay đang được nhắc đến đó chính là từ phiên họp đặc biệt lần thứ 26 (6/2001) của Đại hội đồng LHQ có hơn 180 nguyên thủ quốc gia đã thông qua một công ước: “HIV/AIDS khủng hoảng toàn cầu và đáp ứng toàn cầu”. Việt Nam là 1 trong những nước tham gia Công ước này.

 

Trong hợp tác quốc tế về HIV/AIDS, chúng ta huy động sự tham gia, hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật, chuyên gia của các nước, mặt khác chúng ta phải tham gia tích cực vào công tác phòng chống AIDS tại các nước. Chúng ta đã tham gia các điều ước quốc tế về phòng chống AIDS, các hiệp định đa phương, song phương về phòng chống AIDS, trong đó có các kế hoạch hành động của khối ASEAN, kế hoạch hành động của các nước tiểu vùng sông Mekong về HIV/AIDS…/.

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Theo vovnews.vn

Tệp đính kèm