Cập nhật: 11/12/2010 11:30:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm qua, nhờ thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010, các chương trình giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng; nhiều địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và còn nhiều bất cập giữa chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội.

 

Có thể thấy, ở chương trình giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2010 đã chú trọng đến tính đối tượng và đặc thù vùng miền. Bên cạnh đó, đã thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền và hỗ trợ trọn gói mục tiêu cho địa phương, đi đôi với việc nâng cao năng lực và tăng cường sự tham gia của người dân. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì người nghèo, tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống ở các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tạo cơ sở để người nghèo, hộ nghèo ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo và duy trì thành quả giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Ngô Trường Thi cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới sẽ từ 15% năm 2011 xuống còn từ 4 - 5% năm 2020. Trong đó, ưu tiên giảm nghèo bền vững và cân đối mục tiêu, năng lực thực hiện để có hướng tập trung các nhóm nghèo cụ thể. Phân biệt hai nhóm mục tiêu: nhóm bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu và nhóm ưu tiên xóa nghèo bền vững. Xác lập nguyên tắc ưu tiên giảm nghèo cho vùng có điều kiện thoát nghèo và vươn lên nhanh, có khả năng tạo sức hỗ trợ và lan tỏa rộng. Đối với mỗi vùng miền cần có chính sách giảm nghèo khác nhau.

 

Dự kiến chuẩn nghèo mới là thu nhập bình quân của người dân khu vực thành thị là 500.000 đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng. Đưa ra chuẩn nghèo mới này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020 đánh giá lại toàn bộ các chính sách, lựa chọn chính sách nào phù hợp với tình hình mới, tiếp tục và hoàn thiện thêm, nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và toàn diện. Bên cạnh đó, đầu tư cho đối tượng tập trung hơn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Trong thời gian tới, để tránh sự dàn trải, chồng chéo của các chương trình, sẽ chỉ còn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo duy nhất.

 

Để ứng phó hiệu quả với những thách thứác mới trong định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, cần hoạch định một chính sách, chương trình tổng thể để giai đoạn tới giảm nghèo nhanh, bền vững, đồng đều giữa các vùng miền nhưng phải nằm trong tổng thể chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm, không để phân tán nguồn lực; để chính quyền cơ sở, người nghèo không ỷ lại từ các chính sách của Nhà nước, sáng tạo vận dụng tự vươn lên. Chương trình giảm nghèo chung giai đoạn 2011 - 2020 cần đạt các yêu cầu: mỗi vùng, miền có chính sách giảm nghèo khác nhau; ưu tiên giảm nghèo bền vững và cân đối mục tiêu, năng lực thực hiện để tập trung vào các nhóm nghèo cụ thể.

 

Thời gian qua, tỷ lệ giảm nghèo đã nhanh nhưng chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, đặc biệt với khu vực miền núi - nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 17% dân số, nhưng tỷ lệ hộ còn nghèo vẫn cao nhất cả nước. Tại các vùng, miền này đã nhận được nguồn đầu tư lớn, nhiều chính sách ưu đãi nhưng đa phần bà con dân tộc thiểu số vẫn chưa thể tự vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững

 

 

Báo điện tử Đại biểu nhân dân

 

Tệp đính kèm