Cập nhật: 15/12/2010 16:33:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mấy năm gần đây, nhất là năm 2010, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, có đóng góp thiết thực trong việc cân đối cung cầu lương thực, thực phẩm.

Quá trình đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống đã đạt được những thành tựu rất đáng kể,  đóng góp thiết thực cho đất nước. GDP cả năm của đất nước là 6,7% thì khu vực nông nghiệp đóng góp 2,6%. Với việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, việc tạo ra được gần 40 triệu tấn lương thực, thực phẩm, trong đó hơn 30 triệu tấn dành cho việc nuôi sống mình và phục vụ cho tiêu dùng của nhân dân trong nước. Chính nhờ an ninh lương thực, thực phẩm trên toàn quốc được giữ vững đã góp phần quan trọng cho đất nước có chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Công tác đối ngoại đạt kết quả quan trọng. Vị thế quốc tế Việt Nam được nâng lên tầm cao mới.

 

Việc tạo ra một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn chẳng những tạo cho đất nước có thế mạnh trong việc giữ vững an ninh về lương thực mà với 6,2 triệu tấn lương thực xuất khẩu (tính đến hết tháng 11-2010, dự kiến cả năm 2010, xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo) đã góp phần giải quyết thiếu đói cho một số nước trong khu vực và thế giới có nguy cơ bất ổn khủng hoảng về lương thực. Cùng với hai đóng góp quan trọng cho đất nước và thế giới về giải quyết vấn đề lương thực, sản xuất nông nghiệp còn đóng góp quan trọng cho việc tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu. Cùng với xuất khẩu gạo tăng gần 16% và là nước đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Thái Lan, các mặt hàng nông lâm thủy sản đều có số lượng tăng khá trong đó tăng mạnh nhất là cao su 92,8%; nhân điều 32,5%; hạt tiêu 23%; tiếp đến là các mặt hàng thủy sản 16,3%. Việt Nam tiếp tục là nước có số lượng và kim ngạch xuất khẩu nhân điều đứng đầu thế giới, với số lượng 11 tháng ước đạt 177 nghìn tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD. Cao su cũng là một trong những mặt hàng nông sản có kim ngạch tăng trưởng khá cao, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần hai tỷ USD, cả năm ước đạt 2,2 tỉ USD, tăng gần hai lần so với các năm trước. Đặc biệt, giá xuất khẩu của phần các mặt hàng nông sản đang tiếp tục thuận lợi. Do vậy, dự kiến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,7 đến 4,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo cũng có thể đạt 6,7 triệu tấn, tương đương giá trị xuất khẩu hơn 3 tỉ USD, cà phê 1,15 triệu tấn tương đương 1,7 tỉ USD. Riêng mặt hàng gỗ cả năm 2010, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,3 tỉ USD tăng 300 triệu USD so với dự kiến.

 

Trong bối cảnh bị chi phối về tình hình kinh tế thế giới vừa ra khỏi khủng hoảng, bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều tiềm ẩn, sản xuất nông nghiệp nước ta lại trải qua những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được những thành tựu đáng mừng nêu trên là do mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

 

Do nhận thức được nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước, luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Về đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 xác định: Tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng mạnh đầu tư ngân sách Nhà nước ngay từ năm 2009 và bảo đảm 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, liền sau đó ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết ban hành chương trình hành động giao nhiệm vụ cho cán bộ, địa phương xây dựng và triển khai nhiều chương trình, đề án. Đến nay, 8/9 đề án quy hoạch, 3/3 chương trình mục tiêu quốc gia và 21/27 đề án chuyên ngành đã được thông qua từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành thêm ba đề án nữa. Các địa phương cũng đã tích cực xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 trên địa bàn kết hợp với việc triển khai chương trình, đề án đã được phê duyệt.

 

Theo tinh thần trên Nhà nước, chủ trương dành vốn ngân sách tập trung đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời tăng thêm chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng điểm, dự án đầu tư có mục tiêu cho nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tính trong 5 năm (2004 – 2008), trước khi có Nghị quyết Trung ương 7, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này là 181 nghìn tỉ đồng, bằng 39,1% tổng vốn đầu tư, phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ cả nước, trong đó đầu tư cho phát triển nông nghiệp là 36,9% cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 63,1%. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm nhiều hơn. Năm 2009, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này gần 80 nghìn tỉ đồng bằng 46,8% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tăng 43,2% so với 2008, trong đó đầu tư cho phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ tăng 43,2% so với năm 2008, trong đó đầu tư cho phát triển nông nghiệp tăng 64,5%, cho phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn tăng 33%.  Năm 2010, tổng vốn đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này hơn 87 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ tăng 10,5% so với năm 2009, trong đó đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn tăng 11,3%.

 

Như vậy, sau khi có Nghị quyết Trung ương 7, mặc dù kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tăng cao hơn mức tăng bình quân chung. Tỷ trọng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ tăng từ 43,3% năm 2008 lên 46,8% năm 2009; 48,1% năm 2010 và 50% năm 2011. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, tổng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 1,46% so với các giai đoạn 2004. 2008 trước khi có Nghị quyết Trung ương 7./.

 

 

Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm