Cập nhật: 18/12/2010 09:48:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ ngày 1-1-2011, lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp sẽ tăng theo lộ trình. Nhiều người cho rằng, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động của các doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc tăng lương tối thiểu gần như không có nhiều ý nghĩa đối với người lao động ở thời điểm này.

 

Nhận diện "thu nhập"

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tăng mức lương tối thiểu làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ đánh giá sâu về tình trạng nghèo đô thị ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh" do UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ trì đã chỉ ra rằng, có tới 57% số hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ lương; 28% số hộ gia đình có nguồn thu nhập chính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phi nông - lâm sản và 13,4% từ nguồn thu nhập khác. Đáng chú ý là trong khi có tới 57% số hộ có nguồn thu nhập chính từ lương thì mức lương trung bình của cả hai thành phố này chỉ đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, mức thu nhập này ngày càng có sự chênh lệch lớn với mức trung bình của nhóm hộ nghèo là 805.000 đồng/người/tháng và mức trung bình của nhóm hộ có mức thu nhập cao là 5,2 triệu đồng/người/tháng.

 

Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội cho biết, mức thu nhập trung bình của người lao động trong các khu công nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu đồng/ người/tháng.

 

Khảo sát do UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, chi phí sinh hoạt bình quân mỗi tháng của một nhân khẩu ở Hà Nội hiện tại khoảng 950.000 đồng và thành phố Hồ Chí Minh là 1,03 triệu đồng. Trong khi đó, đối với những lao động ngoại tỉnh, những chi phí phát sinh có thể bằng 1,2 đến 1,3 lần tiền thuê nhà và những khoản phụ phí khác. Điều đó cho thấy, hiện nay mức thu nhập của người lao động đang quá thấp so với mức chi phí sinh hoạt, mặc dù đã cao hơn lương tối thiểu ở thời điểm hiện tại. Theo các chuyên gia về lao động việc làm, đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động hiện nay.

 

Tăng lương liệu có tăng thu nhập?

 

Nhiều năm qua, Nhà nước luôn khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, gia giày, chế biến gỗ, thủy sản… Trong một thời gian dài, tại các khu công nghiệp nằm trong lòng đô thị, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã thu hút hàng triệu lao động. Nhưng tới thời điểm này, doanh nghiệp đang phải đối mặt với "cơn khát" lao động trầm trọng, nhất là lao động phổ thông.

 

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp rất lớn nhưng họ chỉ tuyển được chừng 17% nhu cầu qua các phiên. Lý do cơ bản là do mức lương của các nhà tuyển dụng đưa ra quá thấp, không đủ hấp dẫn người lao động. Đại diện một công ty gia công cơ khí cũng cho biết, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 100 công nhân, chủ yếu là lao động phổ thông, để bổ sung vào các dây chuyền sản xuất cơ khí. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng mà doanh nghiệp vẫn chưa thể tuyển dụng đủ theo nhu cầu, thậm chí, doanh nghiệp này sẵn sàng bỏ ra một khoản chi phí để thông qua các công ty môi giới. Lý do khiến doanh nghiệp này không tuyển dụng được lao động cũng bởi mức lương hiện tại doanh nghiệp này áp dụng chỉ ở mức 1,7 đến 2,2 triệu đồng/người/tháng. Đây có thể xem là mức thu nhập quá thấp, chỉ đủ cho người lao động trang trải sinh hoạt trong điều kiện tối thiểu nhất, chưa có tích lũy và tái tạo sức lao động.

 

Theo quy định, từ ngày 1-1-2011, mức lương tối thiểu của người lao động ở khu vực doanh nghiệp trong nước cao nhất sẽ là 1,35 triệu đồng/tháng (mức cũ là 980.000 đồng) và thấp nhất là 830.000 đồng (mức cũ là 730.000 đồng). Tương tự, ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức cao nhất là 1,55 triệu đồng/người/tháng (hiện tại là 1,34 triệu đồng) và mức thấp nhất là 1,1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, xét trên con số thì mức lương tối thiểu của người lao động đã được nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp đều đang áp dụng mức lương cao hơn mức lương tối thiểu. Do đó, việc tăng lương tối thiểu gần như không có tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người lao động, nhất là chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao như hiện nay.

 

Rõ ràng, lời giải bài toán thiếu hụt nhân sự của các doanh nghiệp hiện nay không phải từ lương tối thiểu. Điều quan trọng là chính doanh nghiệp phải có chế độ, ưu đãi thỏa đáng đối với người lao động./.

 

 

 

Theo báo Hànộimới Online

Tệp đính kèm