Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh... song nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn tiếp tục phát triển toàn diện, nhiều chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009 và vượt mức kế hoạch 5 năm đề ra.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT diễn ra vào sáng nay (27/12/2010) tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Thắng lợi kép
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới còn tác động đến những tháng đầu năm 2010 và diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp và PTNT năm nay vẫn đạt 2,8% (năm 2009 đạt 1,83%). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3-3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra và kế hoạch phát triển 5 năm của ngành. Giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 4,69%, bình quân tăng 4,93% (mục tiêu kế hoạch là 4,5%) trong giai đoạn 2006-2010.
Đóng góp vào sự thành công này, phải kể tới sự nỗ lực của cả hệ thống ngành, sự vươn lên của người sản xuất và doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều ngành hàng đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được thành tựu quan trọng. Trong số đó nổi bật nhất phải kể tới lĩnh vực trồng trọt. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, năm 2010, công tác chỉ đạo sản xuất tập trung hướng dẫn nông dân điều chỉnh cơ cấu cây trồng, thời vụ phù hợp với diễn biến của thời tiết và né tránh sâu bệnh, tăng cường sử dụng giống mới, thâm canh, tăng năng suất nên mặc dù hạn hán, bão lũ và sâu bệnh gây thiệt hại cục bộ tại một số địa phương nhưng tính chung cả nước sản xuất lúa là một năm được mùa. Diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 7,444 triệu ha, tương đương với năm 2009 (7,44 triệu ha). Sản lượng lúa cả năm ước đạt 39,8 triệu tấn, tăng khoảng 2,4% so với năm 2009. So với năm 2009, diện tích gieo trồng tăng 23.000ha, sản lượng tăng hơn 900.000 tấn, vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm và chỉ tiêu Đại hội Đảng X. “Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, sản xuất lúa đã xuất khẩu được 6,7 triệu tấn gạo, tăng 750.000 tấn so với năm 2009”, Ngọc nói.
Song song với bước phát triển về sản xuất, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, điều kiện sống của dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện. Năm 2010, các chương trình lớn như bố trí sắp xếp dân cư, 135, 30a... tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao ở nhiều địa phương, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn dự kiến giảm còn 12% trong năm nay. Nhìn nhận một cách toàn diện về lĩnh vực này, các chuyên gia đều cho rằng, hoạt động nổi bật trong năm về phát triển nông thôn đó là xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng 11 xã điểm về nông thôn mới, tất cả các địa phương đang hồ hởi chuẩn bị thực hiện Chương trình.
Tiếp tục tăng trưởng bền vững
Theo nhận định của các chuyên gia, từ sau năm 2010 kinh tế thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi. Thương mại hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng sẽ tăng. Nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ các nước phát triển (Mỹ, EU, Nhật) sẽ lấy lại nhịp độ và ổn định trở lại và từ các thị trường khác (Nam Phi, Trung Đông...) tăng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn được dự báo sẽ biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường, mặc dù đã phục hồi nhưng chưa lấy lại được đà tăng trưởng của các năm trước đó. Vì thế, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới đặc biệt là những diễn biến phức tạp gần đây của châu Âu về khủng hoảng nợ của một số nước thành viên được cho là có nguy cơ lan rộng sẽ ảnh hưởng đến châu Á ở các lĩnh vực thương mại và tài chính.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nền kinh tế thế giới đã vượt qua một giai đoạn phát triển với nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển đổi rõ rệt theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Những kết quả khả quan trong năm 2010 và giai đoạn 2006-2010 sẽ tạo tiền đề cho triển khai thực hiện kế hoạch 2011 và kế hoạch 5 năm tới. Đồng thời, đây cũng là năm tiếp tục triển khai Nghị quyết về tam nông. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách, đề án cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng nông thôn mới đã được xây dựng và ban hành, sẽ phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của ngành và cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục đề ra kế hoạch cho những năm tiếp theo. Mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011-2015 là đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Theo đó, trong 5 năm tới ngành sẽ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế ngành cao, bền vững và có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm; cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cư nông thôn, đặc biệt là người nghèo; phát triển hạ tầng đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, đời sống; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, qua đó sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường bền vững, đồng thời nâng cao năng lực, thể chế để quản lý ngành năng động có hiệu quả.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, năm 2011 là năm có ý nghĩa quan trọng bởi đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, và chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Tam nông. Vì thế, mục tiêu chủ yếu là nỗ lực, phấn đấu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì mức tăng trưởng cao để góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh. Triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo.
Theo đó cần phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngành, phấn đấu đạt mức tăng GDP toàn ngành là 3,5-3,8%/năm. Kế hoạch năm 2011 đạt 3,5%, giá trị sản xuất tăng 4,5-5% so với năm 2010 trên cơ sở tập trung ưu tiên nguồn lực cho nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực như cá tra, tôm, lúa gạo...
Thúy Nga
Theo Báo điện tử KTNT