Cập nhật: 01/01/2011 10:19:24 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 31-12-2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Ðình (Hà Nội), Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 tiếp tục ngày làm việc thứ hai dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng.

Trong hai ngày hội nghị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất. Nhiều ý kiến tại hội nghị nhất trí cần: rà soát và tăng cường chất lượng việc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; đẩy mạnh về chất việc đầu tư, phát triển công nghiệp  phụ trợ, phục vụ hiệu quả cho sản xuất hàng xuất khẩu, giảm nhập siêu; xây dựng những sản phẩm chủ lực, cạnh tranh cấp quốc gia. Cùng với phát triển kinh tế, các đại biểu cũng thống nhất nhận định, trong năm 2011, cần tiếp tục coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, ưu tiên vốn thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia để xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.

 

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Vấn đề này riêng Bộ Giáo dục và Ðào tạo không thể đảm đương nổi mà phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành. Quan tâm công tác nhân lực phải đồng bộ bảo đảm điều kiện sống cho người lao động như thu nhập, nhà ở, hạ tầng xã hội...  Phó Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập hiện nay là chưa làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực. Trong quy hoạch hiện nay, các địa phương thường chỉ quan tâm đến vốn, đất đai chứ chưa quan tâm yếu tố nhân lực và năng lượng. Do đó, trong năm 2011, cần coi phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá và phải đổi mới về nhận thức công tác này.

 

 Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2010, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội các địa phương năm 2011 và đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2011, các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Nghệ An, Ðác Lắc kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành năm 2011 ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, đường vành đai biên giới, phát triển khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển liên vùng, liên quốc gia, xóa đói, giảm nghèo, vùng sâu, vùng xa. Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư các dự án nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, giúp đỡ nhân dân vùng lũ xây nhà kiên cố; bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng quan tâm, thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, nhà cho người thu nhập thấp, giải quyết vấn đề xã hội phát sinh trên địa bàn. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch, quy hoạch đô thị gắn tiến trình CNH, HÐH, xây dựng nông thôn...

 

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tập hợp các ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn chỉnh, sớm ban hành chính thức Nghị quyết Chính phủ trong vài ngày tới.

 

Thủ tướng đánh giá: Năm 2010, bên cạnh thuận lợi cơ bản, đất nước đã đương đầu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức: khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực kinh tế trong nước; thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề; các thế lực thù địch vẫn điên cuồng chống phá sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), toàn thể nhân dân, chúng ta đã cơ bản thực hiện tốt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu mà Ðảng, Nhà nước đề ra: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,78%. Các lĩnh vực an sinh xã hội vẫn được quan tâm và phát triển như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, việc làm, chăm lo vùng nghèo, người nghèo, đối tượng chính sách... Công tác đối ngoại đạt thành tựu lớn. Chính trị xã hội ổn định, thể hiện lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt.

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương trong năm 2010 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc kiểm soát giá cả, ổn định đời sống nhân dân. Nhiều tỉnh hoàn thành nhà cho người nghèo trong thời gian ngắn, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Bên cạnh những thành tựu, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong điều hành, quản lý các lĩnh vực thời gian qua như: kinh tế vĩ mô chưa ổn định thể hiện ở giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng còn cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành sản xuất chưa cao, chuyển dịch cơ cấu chậm. Nhiều vấn đề bức xúc xã hội chưa được giải quyết triệt để, như tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông... Hiệu quả quản lý điều hành một số lĩnh vực còn yếu kém, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng. Công tác quản lý về DN, trong đó có DN Nhà nước (DNNN), DN đầu tư nước ngoài, DN tư nhân chưa tốt. Trong quản lý đầu tư xây dựng, việc phân cấp là cần thiết, nhưng lại để xảy ra đầu tư dàn trải, trùng lắp, đầu tư vào những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên. Việc quản lý kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm...

 

Trên cơ sở nhận định trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội và NSNN năm 2011 ngay từ đầu năm trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh... Các cấp, các ngành chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, từng lĩnh vực, trong đó tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trước mắt, trong dịp Tết Tân Mão 2011, các bộ, ngành, địa phương tập trung chính sách tiền tệ, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, kiểm soát giá cả, thị trường, chống buôn lậu, hàng giả. 

 

Thủ tướng cho rằng khó phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất như hiện nay. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng phải có trách nhiệm tính toán, sử dụng công cụ lãi suất để kéo giá cả xuống chứ không phải 'nhìn' giá cả để tính toán lãi suất, hoặc để lãi suất 'chạy' theo giá cả, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành.

 

Trên lĩnh vực an sinh xã hội, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo y tế, giáo dục. Lãnh đạo các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, sát sao trên tinh thần trách nhiệm, tất cả vì lợi ích đất nước, đời sống nhân dân.

 

Nhận định năm 2011 còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng dự báo tình hình. Trong đó, các địa phương phải quan tâm dự báo tình hình thiên tai, thời tiết, biến động giá cả hàng hóa trong nước và thế giới. Hiện nay, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới thì việc dự báo để ứng phó kịp thời mọi diễn biến có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, thể chế để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành tập trung vào công tác quản lý đất đai, khoáng sản và rừng. Nhận thấy việc triển khai thực hiện Nghị định 69/2009/NÐ-CP còn lúng túng, do đó Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ quan cần đánh giá lại các vấn đề liên quan, nhất là giá đền bù đất đai tăng quá cao, gây khó khăn cho công tác đầu tư... Thủ tướng cũng cho rằng lĩnh vực quản lý đất đai hết sức phức tạp, xảy ra nhiều sai phạm, thất thoát, tham nhũng, chưa đạt kết quả như mong muốn trong năm qua. Vì vậy, năm 2011, các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tính toán, chấn chỉnh việc quản lý, huy động quỹ đất phục vụ thúc đẩy CNH, HÐH; chấn chỉnh việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý rừng, môi trường, trong đó chú ý vấn đề xử lý nước thải của nhà máy, khu công nghiệp, cải thiện độ ô nhiễm các dòng sông.

 

Rà soát cơ chế để quản lý DN tốt hơn, kể cả DN nước ngoài, DN tư nhân, tạo cơ chế để DN hoạt động thuận lợi nhưng phải được quản lý chặt. Tăng cường quản lý DNNN, phải rà soát cơ chế quyền chủ sở hữu. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực, bảo đảm không gây phiền hà nhưng phải chặt chẽ, không bị động, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, ngăn chặn các việc làm sai trái.

 

Chính quyền các cấp bám sát các nghị quyết của Ðảng,  thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng pháp luật, bám sát quy chế làm việc, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư với địa phương.

 

Thủ tướng cũng đề nghị thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trong toàn Ðảng, toàn dân, tạo đồng thuận trong xã hội. Trong đó, các cơ quan thông tin báo chí, truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Làm tốt các nhiệm vụ trên sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

 

* Chiều 31-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ cuối năm dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh. Cùng dự có đại diện các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ...; đông đảo đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan, thông tấn báo chí.

 

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu tóm tắt nội dung Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2010, Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm của 2011.

 

Sau khi đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong năm 2010, nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành cho năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Bước vào năm 2011, chưa bao giờ thế và lực của nước ta lại lớn mạnh như hiện nay, tạo cơ hội lớn và tiền đề thuận lợi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng. Tiềm lực kinh tế được cải thiện, sự phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân, toàn dân đồng lòng quyết đổi mới. Vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao, thế giới coi Việt Nam là điểm đến của đầu tư, du lịch. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế và yếu kém của nền kinh tế. Do đó, trong bản dự thảo Nghị quyết Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế năm 2011, Chính phủ đề cập bốn mục tiêu lớn và đề ra tám nhóm giải pháp quan trọng.

 

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh, biểu dương các cơ quan thông tấn báo chí trong năm 2010 đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng và hiệu quả vào thành tựu phát triển chung của đất nước, đồng thời mong muốn, báo chí tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn nữa trong việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

 

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời câu hỏi của một số nhà báo liên quan lĩnh vực phát triển doanh nghiệp tư nhân, phát hành Trái phiếu Chính phủ...

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm