Chương trình 135 giai đoạn 2 đã kết thúc, với kết quả là 181/1000 xã đã thoát nghèo. Sau 5 năm triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 5% năm, từ 47% năm 2006 đến nay chỉ còn 28,8%.
Chương trình đã huy động sự tham gia đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, phát huy mọi nguồn lực xã hội vì mục tiêu giảm nghèo quốc gia, hiện thực hóa chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
PV: Bộ trưởng có thể đánh giá khái quát những kết quả sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 ( 2006- 2010)?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Đây là một chương trình rất đặc thù vì chỉ giới hạn cho vùng đặc biệt khó khăn. Đảng và Nhà nước đưa ra chương trình này rất hợp với lòng dân, toàn thể xã hội từ trung ương đến địa phương. Chúng ta triển khai một cách đồng bộ, có sự chỉ đạo chặt chẽ.
Mục tiêu của chính sách đã đạt được, người dân được hưởng lợi, đời sống của người dân được cải thiện, cơ sở vật chất được tăng cường.
Có thể khẳng định bộ mặt của nông thôn miền núi, vùng dân tộc, vùng biên giới có sự đổi thay theo chiều hướng tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh. Từ 47% năm 2006 khi chúng ta bắt đầu triển khai chương trình, còn lại 28,8% năm 2010. Như vậy, có thể nói các đối tượng được hưởng chính sách 135 cơ bản được thụ hưởng quyền lợi và chính sách đầu tư mà Đảng và nhà nước mang lại cho đồng bào.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy thực tế là điểm xuất phát của vùng này rất thấp, nên nguồn lực đầu tư của chúng ta chưa đủ sức làm xoay chuyển mạnh mẽ. Theo dự toán cho chương trình này, từ 2006-2010 tổng kinh phí là 29.000 tỷ đồng, nhưng 5 năm chúng ta chỉ giải ngân được 14.000 tỷ đồng (đạt khoảng 50%). Như vậy, nếu chúng ta giải ngân 100% vốn thì chắc tình hình sẽ khác và nhiều tiến bộ, nhiều niềm vui hơn.
PV: Thực tế qua 5 năm triển khai, số xã tự đứng ra làm chủ đầu tư đã tăng lên, số xã thoát nghèo cũng tăng lên. Tuy nhiên, một số xã không muốn ra khỏi Chương trình. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Chủ trương của Chính phủ đối với chương trình này là phải tạo ra cơ chế và cơ bản là đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho cơ sở. Lâu nay có một việc làm chưa tốt là trung ương làm thay địa phương, tỉnh thay huyện, huyện thay xã. Đó là một tình hình mà trong quá trình cải cách hành chính, quá trình thực hiện chúng ta phải thay đổi.
Với sự tham gia tích cực của các nhà tài trợ quốc tế, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã phân cấp rất mạnh, vì người trực tiếp quản lý là cấp cơ sở, là xã, thụ hưởng chương trình là người dân. Nên việc xác định phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư là chủ trương hết sức đúng đắn. Vì thế trong thời gian ngắn chúng ta đã tạo lập được cơ chế và cấp cơ sở đã từng bước vươn lên. Mặc dù trình độ của cán bộ còn nhiều vấn đề phải bàn, chúng ta còn phải giúp đỡ họ rất nhiều, nhưng về lâu dài, đây là chủ trương, cách làm đúng đắn. Cuối cùng là do người dân quyết định chứ không phải là người lãnh đạo quyết định từ trên này.
Chúng ta chưa có đánh giá chung cho tất cả mọi vùng, mọi miền, nhưng nhìn chung, tôi đánh giá là đều có tiến bộ.
Đến nay đã có 181/1000 xã đã ra khỏi Chương trình 135. Trước đó có một số xã ra nữa, nhưng do tính bền vững chưa cao, ví dụ ra rồi nhưng bị thiên tai nên phải nhờ sự hỗ trợ của chương trình.
PV: Trong giai đoạn 3 của Chương trình 135, chúng ta sẽ tập trung vào những công việc gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Trong giai đoạn 3, Chính phủ có nghị quyết định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 và sẽ tiếp tục đầu tư cho vùng khó khăn này, nhưng theo hướng phải rà soát lại và có thể ban hành mới lại tiêu chí cho vùng đặc biệt khó khăn theo mỗi vùng. Với tiêu chí đầu tư này thì vùng càng khó khăn càng được đầu tư cao hơn.
Thứ 2, căn cứ vào chuẩn nghèo mới, đối tượng thụ hưởng chính sách này sẽ rộng hơn, những hộ cận nghèo trước đây ở giai đoạn 2 chưa được thụ hưởng thì chắc chắn trong giai đoạn này sẽ được thụ hưởng. Như vậy thì mức đầu tư phải cao hơn.
Chúng ta kỳ vọng giai đoạn 3 sẽ lồng ghép được một vài chính sách. Đặc biệt giải quyết được những vấn đề về tính ỷ lại, tính bao cấp của khu vực này.
Nhân dịp này, chúng tôi kêu gọi cấp ủy, chính quyền các địa phương và đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn phải tự vươn lên, phải xây dựng ý chí vượt nghèo thật mạnh mẽ cho tất cả các vùng từ Bắc vào Nam.
PV: Trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI, Bộ trưởng kỳ vọng gì ở Đại hội trong việc tiếp tục thực hiện chính sách Dân tộc, giúp đồng bào vùng đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống?
Bộ trưởng Giảng Seo Phử: Trách nhiệm của Đảng là chăm lo cho người dân, đặc biệt chúng ta phải có những chính sách ưu đãi hơn, tích cực hơn, đủ mạnh hơn giúp đỡ người nghèo. Vì vậy trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng bào các dân tộc cả nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng rất tin tưởng vào những quyết sách của Đại hội lần này, rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Từ trước đến nay, từ nay về sau, chắc chắn đồng bào các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ chung sức chung lòng đi theo Đảng để cùng nhau xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, giai đoạn 2011-2020 thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chúng tôi cũng rất mong muốn trong giai đoạn này chúng ta sẽ có thời gian nhìn nhận lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua, chúng ta tiếp tục thực hiện chiến lược kinh tế cho một thập kỷ mới 2011-2020, tôi tin Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ có những chính sách phù hợp hơn, thiết thực hơn, xóa đói giảm nghèo cho các dân tộc, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số../.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.
Theo vovnews.vn