Cập nhật: 17/01/2011 16:16:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã hơn nửa tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. Số lượng gia súc chết tăng lên từng ngày, trong khi đời sống người dân cũng gặp không ít khó khăn khi nền nhiệt một số khu vực xuống dưới 0 độ C hoặc duy trì ngưỡng thấp nhiều ngày. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương khẩn cấp phòng chống rét cho trâu, bò và chăn nuôi thủy sản để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất.

 

Trong những ngày qua, Trung tâm dự báo KTTV Trung ương liên tục thông báo tin miền Bắc hứng chịu không khí lạnh tăng cường. Đã có thời điểm ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ghi nhận nền nhiệt xuống âm 3,6 độ C. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Trung ương nhận định đây là kỷ lục mới về nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Mẫu Sơn, vượt qua kỷ lục cũ vào năm 1973 âm 0,6 độ C. Đợt rét đậm này bắt đầu "khởi động" đối với các tỉnh miền núi từ ngày 27-12-2010, với các tỉnh đồng bằng từ ngày 2, 3-1-2011 và kéo dài đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự báo, phải sau 2 đến 3 đợt rét tăng cường xuống miền Bắc nữa, đến ngày 25-1-2011 mới có khả năng chấm dứt. Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, đợt rét này có tính chất tương tự đợt rét lịch sử kéo dài 38 ngày hồi năm 2008, vì cùng chịu ảnh hưởng của La Nina, hiện tượng gắn liền với mưa nhiều, lạnh hơn ở vùng Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, La Nina khiến nền nhiệt độ thấp, chênh lệch không đáng kể giữa ngày và đêm, kèm theo mưa phùn khiến cái rét càng thêm tê buốt.

 

Hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất đến thời điểm này là ngành chăn nuôi. Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đến ngày 16-1 cho biết, đã có hơn 8.000 con trâu, bò, dê bị chết do rét. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Cao Bằng 1.830 con, tiếp đến là Sơn La 1.300 con, Lạng Sơn 919 con, Bắc Kạn 845 con, Lào Cai 570 con, Hà Giang 537 con... Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, thì chưa có gia súc chết vì rét. Ngay từ khi chớm rét, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương phổ biến tới người dân bảo vệ đàn gia súc, chủ động triển khai tiêm phòng bệnh, che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn giàu dinh dưỡng... Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Hànộimới ở các vùng nuôi trồng thủy sản Thanh Trì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, người nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm... hết sức lo lắng khi thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nguyên nhân trâu, bò chết chủ yếu do thời tiết rét đậm, rét hại đến nhanh và đột ngột. Trong khi nhiều gia đình vẫn lơ là, chủ quan trong chuẩn bị chuồng trại, trâu, bò vẫn thả rông, nhiều gia đình không chuẩn bị thức ăn, dẫn đến trâu, bò chết. Theo ông Giao, về chủ trương hỗ trợ, Quyết định 142 của Chính phủ đã quy định rõ các mức hỗ trợ do thiên tai gây ra, mỗi con bê, nghé chết thì được hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng. Trước mắt, người dân phải kê khai thiệt hại có xác nhận của cán bộ chuyên môn và chính quyền địa phương, thủ tục càng nhanh thì người dân càng sớm được nhận hỗ trợ.

 

Ngoài chăn nuôi, nông dân trong ngành trồng trọt cũng "đứng ngồi không yên". Người dân trên những cánh đồng hoa lớn Mê Linh, đào Nhật Tân (Tây Hồ)... cho biết, đang đứng trước nguy cơ thất bát vì nếu rét đậm, rét hại kéo dài đến cận Tết thì hoa ngậm nụ là điều rất dễ xảy ra. "Mấy ngày nay, chúng tôi tập trung mọi nhân lực, vật lực để cứu đào. Ngày nào cũng gánh nước, gánh phân tưới gốc đào giữ ẩm và làm ấm cho cây. Chúng tôi cũng dùng lưới phủ quanh ruộng, thắp đèn điện vào buổi tối cho cây đỡ rét nhưng vẫn lo về một vụ đào thất thu" - chủ vườn đào Trần Tuấn Việt ở phường Nhật Tân than vãn. Trong khi đó cũng đã có khoảng 10% diện tích mạ xuân sớm bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý người dân nên sử dụng ni lông che kín cho mạ, tạm dừng cấy, dùng rơm rạ ủ ấm gốc cho cây.

 

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 70/TTg-KTN chỉ đạo các địa phương chủ động phòng chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, ổn định và phát triển sản xuất. UBND các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với đoàn thể huy động nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng biện pháp chống rét, chống đói cho vật nuôi. Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống rét; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Chính quyền cơ sở thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm, thủy sản bị thiệt hại và thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng gia súc, gia cầm, thủy sản bị chết nhiều do chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống. Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân chống đói, rét cho trâu bò.

 

Hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại

 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại cho các địa phương theo quy định hiện hành.

 

Đợt rét kỷ lục 38 ngày năm 2008 đã khiến ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nề vì 52.000 trâu, bò chết, 150.000ha lúa đã cấy bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng. Chính phủ phải hỗ trợ 50% giá giống lúa và bình quân một triệu đồng cho hộ chăn nuôi có một trâu, hoặc bò, bê, nghé chết vì giá rét.

 

 

Theo Báo Hànộimới Online

Tệp đính kèm