Cập nhật: 07/04/2011 15:47:25 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư: do lưỡi cao lạnh lục địa chi phối thời tiết, các tỉnh miền bắc tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn. Các tỉnh miền nam nằm ở rìa xa phía tây nam lưỡi áp cao lục địa, đồng thời còn chịu ảnh hưởng kết hợp của rìa phía bắc dải thấp xích đạo có vị trí khoảng 7-10 độ vĩ bắc, nên trời nắng nóng

Trung tâm dự báo: Mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn ở nhiều khu vực. Cụ thể là ở Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, mùa mưa bắt đầu vào nửa cuối tháng 4, đầu tháng 5; còn Trung Bộ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Mưa tập trung nhiều vào đầu và giữa mùa, ít hơn vào cuối mùa. Lượng mưa năm nay đạt mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình  nhiều  năm. Ở Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng mùa mưa đến sớm hơn so mọi năm. Ðỉnh lũ cao nhất năm 2011 trên các hệ thống sông tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm 2010, có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8; trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8 và 9; trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10-11 và trên các sông Tiền, sông Hậu vào nửa đầu tháng 10.

 

Theo Cục Thú y, từ tháng 9-2010 đến nay, dịch lở mồm, long móng gia súc ( LMLM) đã xảy ra ở 1.680 xã phường, thị trấn của 241 huyện, quận, thị xã thuộc 39 tỉnh, thành phố. Hiện nay, dịch đã có dấu hiệu chững lại. Song, trên cả nước vẫn còn 29 tỉnh, thành phố có dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi, người nông dân. Trước tình hình trên, ngày 6-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 30 tỉnh, thành phố, và các bộ ngành liên quan bàn biện pháp dập tắt dịch LMLM gia súc, với mục tiêu khống chế được dịch ngay trong tháng 4. Với tinh thần chống dịch 'Phòng là chính, nhân dân là chính, cơ sở là chính'. Phải công khai tuyên truyền cho nhân dân biết, tuyên truyền cho nông dân phòng, chống dịch. Cục Thú y tiếp tục cử cán bộ về các vùng để xây dựng bản đồ về dịch tễ, bảo đảm việc tiêm phòng và sử dụng vắc-xin phù hợp; kiên quyết kiểm soát việc vận chuyển và giết mổ gia súc, nhất là những địa phương có gia súc có bệnh phải kiểm soát chặt, tổ chức tốt tiêm phòng vắc-xin. Khi có ổ dịch xảy ra, trong phạm vi ba ngày đối với đồng bằng và năm ngày đối với vùng núi (từ ngày có ca bệnh đầu tiên), ổ dịch phải được phát hiện, báo cáo cho các cơ quan và xử lý triệt để theo quy định, không để dịch lan rộng.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, trong Quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015 đã xác định, đến cuối năm 2013 tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động, ngoại trừ hai cơ sở giết mổ tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện. Cuối năm 2013 thành phố sẽ đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại: Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp với công suất 1.000-3.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ của Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn công suất 1.000-2.000 con/ngày; Nhà máy giết mổ Tân Thạnh Tây của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

 

Hiện nay cả nước có sáu tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nam Ðịnh, Hải Phòng Tiền Giang và Ðác Lắc có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

 

 

 

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm