Mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á cách đây từ 20 – 30 năm, vấn đề này bắt đầu nóng lên tại Việt Nam từ vài năm trở lại đây. Trong số các nước mất cân bằng giới tính khi sinh, đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Vấn đề nóng của công tác DS-KHHGĐ
Theo bà Nobuko Horibe, Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực châu Á – Thái Bình Dương: hiện nay, tính chung, toàn châu Á đang “thiếu hụt” tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Các nước có tỷ số giới tính khi sinh tăng cao ở khu vực châu Á vẫn thường xuyên được nói đến từ những năm 1980 đến nay là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Gần đây nhất là Việt Nam với mức độ gia tăng nhanh chóng và diễn biến phức tạp.
Mất cân bằng giới tính khi sinh hiện đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” của công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở nước ta hiện nay. Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2007, tỷ số này là 111; năm 2008 đã tới mức 112,1; năm 2009 là 110,5 và năm 2010 là 111,2.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cũng mang những nét đặc thù riêng so với các nước khác. Đó là tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, chứng tỏ các bà mẹ đã chọn lọc giới tính ngay từ lần sinh đầu. Chẳng hạn, ở Ấn Độ vào năm 2001, tỷ số giới tính khi sinh là 111 đối với con thứ nhất; 112 đối với con thứ hai và lên tới 116 đối với con thứ ba. Ở Trung Quốc năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh là 108,4 đối với con thứ nhất; 143,2 đối với con thứ hai và lên tới 156,4 đối với con thứ ba. Tuy nhiên, ở Việt Nam vào năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh là 110,2 đối với con thứ nhất, giảm xuống 109 đối với con thứ hai, song đối với con thứ ba, tỷ số này lại cao hơn 115. Con số này cho thấy đã có những cặp vợ chồng đã thực hiện lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần mang thai đầu tiên.
Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh này nghiêm trọng nhất ở nhóm kinh tế khá giả. Trong khi ở nhóm nghèo nhất (chiếm khoảng 20% dân số) tỷ số giới tính khi sinh ở mức bình thường là 105,2 thì ở nhóm trung bình, nhóm giàu và nhóm giàu nhất tình trạng chênh lệch giới rất nặng nề. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh ở nhóm giàu là 111,7 và ở nhóm giàu nhất là 112,9. Thậm chí, ở lần sinh thứ 3, mất cân bằng giới ở nhóm giàu nhất lên đến 132,9.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, những nguyên nhân chính tạo nên tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay là do mong muốn có con trai để nối dõi tông đường; cần con trai là chỗ dựa lúc tuổi già; do các cặp vợ chồng thực hiện lựa chọn giới tính trước, trong và khi mang thai nhờ sự tiến bộ của công nghệ…
Theo các chuyên gia nhận định, nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm nhanh tốc độ gia tăng và nhanh chóng đưa tỉ số giới khi sinh trở lại mức bình thường thì khoảng 15 - 20 năm nữa sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam giới Việt Nam không có khả năng lấy được vợ là người Việt Nam. Và hệ lụy của vấn đề này là sẽ phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng thêm tình trạng bạo lực giới và tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ...
Những kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở các nước châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cách đây từ 20 – 30 năm. Sự mất cân bằng này đã tạo ra những hệ luỵ của sự thiếu hụt các cô dâu hiện nay ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ dù có nhiều biện pháp rất quyết liệt song tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao.
Theo PGS.TS Heeran Chun, Đại học Jungwon Hàn Quốc, những năm 1980 - 1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối... phát triển cùng với quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp đã đưa tỷ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh. Sự tăng bất thường của tỷ số giới tính khi sinh lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỉ số này lên tới 140/100. Tỷ số giới tính khi sinh cũng có sự khác biệt lớn theo thứ tự của đứa trẻ khi sinh. Ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, sự mất cân bằng này chưa rõ rệt, nhưng ở lần sinh thứ 3 và thứ 4, tỉ số này có sự gia tăng lớn. Vào những năm 1990, có thời điểm tỷ số giới tính khi sinh ở trẻ là con thứ ba lên tới 200/100 và ở con thứ 4 trở lên, tỉ số này là 240/100.
Trước sự gia tăng bất thường và nhìn thấy rõ hệ lụy của vấn đề thừa nam thiếu nữ, Chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này.
Chính phủ cấm xác định giới tính thai nhi theo Luật Y tế năm 1987 (sửa đổi năm 1994); Hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai, con gái đều được thừa hưởng như nhau; Luật Y tế được sửa đổi 1994 có biện pháp mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi.
Chính phủ tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Bên cạnh đó, các biện pháp như chú trọng dạy và nâng cao đạo đức nghề nghiệp với sinh viên y khoa trong việc thực hiện nạo phá thai vì lý do giới tính; tạo dựng hệ thống hỗ trợ người cao tuổi; nâng cao vị thế và trao quyền năng cho phụ nữ được tiến hành đồng bộ.
Những năm 1980, Hàn Quốc có khẩu hiệu: "Sinh hai con để có cuộc sống tốt đẹp hơn, không lo lắng về giới tính của con cái!". Giai đoạn 1990-2000 những khẩu hiệu: "Nuôi 1 con gái lớn lên bằng 10 con trai", "Hãy yêu con gái của bạn" được người dân Hàn Quốc đón nhận.
Nhờ những nỗ lực đó, tỷ lệ giới tính khi sinh đã giảm kể từ giữa những năm 1990, đến năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh ở Hàn Quốc đã gần đạt mức bình thường là 106,9. Hàn Quốc gần như đã chuyển hẳn sang văn hóa trọng nữ từ chế độ gia trưởng và một nền văn hóa trọng nam có gốc rễ từ xa xưa.
TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, những bài học của Hàn Quốc sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong việc xử lý vấn đề mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh./.
Theo Kim Thanh/Báo điện tử ĐCSVN