Chiều 25/6, Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án về chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn đã họp để xin ý kiến về một số vấn đề liên quan đến kế hoạch triển khai Đề án và xây dựng các báo cáo chuyên đề.
Đề án hướng đến giải quyết những vướng mắc, bất cập về chính sách hiện nay đối với cán bộ cấp xã và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách này; làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã; phân biệt chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, từ đó xác định cụ thể số lượng và cơ cấu chức vụ cán bộ, chức danh công chức cấp xã, tiếp tục hoàn thiện chính sách theo từng loại cán bộ cấp xã.
Đề án sẽ tập trung đánh giá cụ thể về tổ chức bộ máy, số lượng, chất lượng, chức vụ, tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp xã, các chế độ chính sách áp dụng đối với cán bộ, công chức cấp xã qua các thời kỳ từ năm 1945 đến nay và chính sách đối với cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn trong thời gian gần đây; chỉ ra mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó. Từ thực trạng đã đánh giá, Đề án đề xuất những giải pháp để hoàn thiện chính sách xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, tiền lương, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ cấp xã nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, yên tâm công tác.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Trưởng Ban chỉ đạo, Đề án góp phần tạo khung pháp lý, môi trường thuận lợi, chính sách thống nhất phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước để thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cấp xã.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh việc đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, rà lại tiêu chí xác định địa bàn khó khăn, phân cấp cho các địa phương trong việc tổng kết thực trạng thực hiện chế độ chính sách, trong đó có những chính sách riêng cho cán bộ xã, cán bộ vùng khó khăn mà một số địa phương đã áp dụng. Một số ý kiến đề nghị xây dựng phân ra thành khu vực, đô thị riêng, huyện đảo riêng để có những báo cáo chuyên sâu, ngoài tổng kết đánh giá thực trạng trong nước, cần nghiên cứu học cách quản lý, điều hành, trả lương của các nước có thể chế chính trị tương đồng. Đa số các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất nghiên cứu, đánh giá toàn diện về chính sách, xác định cơ cấu tổ chức biên chế từng loại hình để từ đó có chế độ chính sách, đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, tạo nguồn phù hợp. Việc có một chính sách tổng thể đối với cán bộ cấp xã và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn sẽ góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cấp xã và ổn định, thu hút cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao.
Ban chỉ đạo Trung ương do đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chỉ đạo chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đề án về chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn. Đề án được trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Bí thư vào cuối năm nay, sau khi được thông qua sẽ là căn cứ kiến nghị và đề xuất chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn và cán bộ về công tác ở địa bàn khó khăn./.
Theo TTXVN