Cập nhật: 21/08/2012 16:07:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, cơn bão số 5 có kèm theo mưa lớn kéo dài suốt gần 2 ngày 18 và 19/8 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã gây thiệt hại khá nặng về cây trồng, tài sản của người dân. Riêng cây trồng ngập cục bộ, ngập úng 8.163,7 ha, chủ yếu là lúa mùa đương chuẩn bị thời kỳ con gái.

Tuy vậy, nước ngập đang xuống nhanh, nếu như không tiếp tục mưa, cây lúa nhiều địa phương vẫn có thể phục hồi, chứ không bị mất trắng.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục tiêu nước để cứu lúa và hoa màu; khẩn trương điều tiết nước bảo vệ các công trình thủy lợi: đầm, hồ, đập... đặc biệt tập trung giúp đỡ người dân vùng thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.

 

Ngoài lúa và hoa màu thiệt hại, bão số 5 còn làm ngập khoảng 33 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trên 5.000m2 nhà và các công trình phụ bị tốc mái. Một số khu vực thuộc các huyện: Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch, Tam Đảo, thị xã Phúc Yên và một số đoạn đường trên quốc lộ 2C đã bị ngập chìm trong nước. Dọc quốc lộ 2A qua địa bàn huyện Bình Xuyên, Vĩnh Yên nhiều nơi nước mưa các địa phương dồn về rất lớn, lượng tôm cá ở các ao nuôi của người dân do bờ đập kém đã theo dòng nước đổ về khiến nhiều người dùng lưới, vó để quây bắt tự do...

 

* Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái, hoàn lưu cơn bão số 5 đã làm 2 người chết và 10 người bị thương; 161 căn nhà bị sập đổ; 7.306 căn nhà, công trình phụ, phòng học, nhà văn hóa bị tốc mái, hư hại; 42 căn nhà bị sạt lở đất; hơn 1.900 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 2 công trình thủy lợi, 1 công trình cấp nước và 1 công trình trường học bị hư hỏng... với tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 45 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập và chia cắt các khu dân cư, bờ sông Chảy đường lên Khai Trung (Lục Yên), quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải.

 

Khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ mỗi gia đình bị sập nhà 7 triệu đồng. Riêng các gia đình có các cháu nhỏ được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng. Đối với các gia đình có nhà bị hư hỏng từ 30% đến dưới 50% diện tích mái được hỗ trợ 1 triệu đồng/nhà, từ 50% diện tích mái trở lên hỗ trợ 2 triệu đồng. Đặc biệt, những gia đình bị hư hỏng và mất hết tài sản còn được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng. Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên hai gia đình có người chết, hỗ trợ mỗi gia đình 4,5 triệu đồng; hỗ trợ mỗi gia đình có người bị thương 1,5 triệu đồng. Các địa phương chỉ đạo sau khi nước rút huy động phương tiện, lực lượng đảm bảo tiêu úng nhanh nhất cho diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng; hướng dẫn người dân thăm đồng, đảm bảo nước rút đến đâu chăm sóc lúa đến đấy.

 

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xử lý kịp thời những điểm sạt lở trên quốc lộ 70, quốc lộ 32... đảm bảo giao thông thông suốt. Ngành điện đã tập trung lực lượng, phương tiện dựng lại các cột điện bị đổ gãy, đóng điện nhằm ổn định sản xuất và sinh hoạt cho người dân…

 

* Trước diễn biến phức tạp của mùa mưa bão 2012, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống úng cho lúa, rau màu, cây trồng, khắc phục hậu quả mưa úng cho vụ Mùa 2012.

 

Hiện Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương đảm bảo tưới bình thường cho hơn 60 nghìn ha lúa mùa; hơn 35 ha mạ, màu, cây công nghiệp, cây chuyển đổi, diện tích nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời chủ động phòng, chống úng, tiêu thoát nước cho gần 99 nghìn ha diện tích lưu vực tiêu bơm điện. Công ty đã chủ động xây dựng sớm phương án đối phó với bão lụt, sẵn sàng khắc phục hậu quả do thiên tai bất khả kháng gây ra. Công ty thực hiện tổng kiểm tra từng hệ thống công trình từ công trình đầu mối đến mặt ruộng: như trạm bơm, cầu cống, kênh xả, cửa cống trạm bơm, kênh dẫn, bờ vùng, bờ khoảnh…. Sau đó, sửa chữa công trình máy bơm, cánh cống, chống rò rỉ nước, nạo vét các tuyến kênh mương, tôn cao áp trúc các bờ vùng, bờ khoảnh; chuẩn bị vật tư dự trữ tại chỗ như: động cơ, đất đá, bao tải, cọc tre… để phòng khi xảy ra sự cố. Quá trình tiêu úng đảm bảo kết hợp tốt các phương châm chôn nước, rải nước, tháo nước, đảm bảo nước đạt hiệu quả cao nhất. Công ty cũng chỉ đạo các Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi đóng tại các huyện, thị xã, thành phố khi có mưa úng phải thường trực tuần tra, canh gác 24/24 để theo dõi diến biến các công trình thuỷ lợi và điều tiết xả lũ kịp thời; thực hiện khoanh vùng cao, thấp để tiêu riêng, không để nước dồn ứ từ vùng cao xuống vùng trũng…

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong cơn bão số 5 vừa qua, Hải Dương có trên 16 nghìn ha lúa, rau màu bị úng, ngập nhưng do công tác chuẩn bị và chủ động đối phó với mưa bão, úng lụt của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương nên phần lớn diện tích lúa, rau màu … đã được cứu kịp thời./.

 

 

 

Theo TTXVN

 

Tệp đính kèm