Cập nhật: 19/09/2012 17:02:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm nào cũng vậy, gần thời điểm Tết Trung thu, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với chất lượng bánh Trung thu là điều mà người tiêu dùng đặc biệt quan tâm khi các sản phẩm không rõ nguồn gốc, các hóa chất để chế biến nguyên liệu làm nhân đã quá hạn sử dụng… vẫn được bán len lỏi trên thị trường.

 

Sai phạm năm nào cũng tái diễn...

 

Hiện nay, theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có tới vài trăm cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất một cách tự phát, nhỏ lẻ cơ quan chức năng khó mà kiểm soát được bởi lực lượng mỏng và kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra không đảm bảo.

 

 

Để kịp thời chấn chỉnh công tác đảm bảo chất lượng ATVSTP, với mong muốn người dân có một cái Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm và an lành, UBND TP. Hà Nội và Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát hoạt động này. Và kết quả những đợt kiểm tra đầu tiên đã khiến cơ quan chức năng và người dân không khỏi lo ngại.

 

Cụ thể, ngay trong ngày ra quân đầu tiên thanh, kiểm tra các sản phẩm bánh Trung thu tại cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh trung thu Hoàng Gia, 186 Cầu Giấy – cơ sở đã nhiều năm nay được người tiêu dùng Thủ đô yêu chuộng, đoàn kiểm tra đã phát hiện không ít sai phạm quen thuộc: Phần lớn sản phẩm bánh tươi được bày bán tại đây đều không có nhãn mác, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; khu sản xuất thì chật chội, mất vệ sinh; nhân viên đang sản xuất thì không mặc đồng phục, không đeo khẩu trang, không sử dụng găng tay…; nhiều túi hạt sen để sản xuất bánh Trung thu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

 

Kiểm tra các quầy bán bánh trung thu Bảo Ngọc, Hữu Nghị trên vỉa hè đường Lê Văn Lương, bên ngoài quầy bánh Trung thu được bầy trí khá đẹp mắt nhưng bên trong, nhiều hộp bánh lại được để ngay dưới nền đất, không đảm bảo vệ sinh.

 

 

Còn khi kiểm tra một số cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố cũng phát hiện những sai phạm tương tự như nhân bánh được phơi trên vỉa hè, chỗ mất vệ sinh; nhân công thì không mặc trang phục, không đeo gang tay…

 

Trước đó, cũng trên địa bàn Thủ đô cơ quan chức năng đã thu giữ 2 tấn nguyên liệu gồm cốm, đậu đỏ, đậu xanh… không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

 

... Và xuất hiện thêm nhân bánh trung thu làm sẵn

 

Dạo quanh một số tuyến phố của Hà Nội, không khó để nhận ra, năm nay, các nhà sản xuất bánh trung thu đã tung ra thị trường số lượng bánh tăng từ 10% - 20% so với năm trước; giá bán cũng tăng bình quân từ 5% - 20% với nhiều mẫu mã đa dạng.

 

Tuy nhiên, với thị trường bánh trung thu đa dạng, phong phú như hiện nay thì vấn đề về ATVSTP cần được cảnh giác cao độ. Bên cạnh các loại nguyên liệu truyền thống để chế biến bánh trung thu như các loại hạt, đậu, mứt… năm nay xuất hiện thêm các loại nhân bánh trung thu làm sẵn, hương liệu nhân tạo không nhãn mác, không hạn dùng, không rõ thành phần, được đóng gói sơ sài. Các loại nhân bánh làm sẵn nhìn rất thơm, bắt mắt và giá rẻ hơn nhiều so với việc mua nguyên liệu từ các loại hạt, đậu về chế biến.

 

Nhân bánh trung thu được làm sẵn với đủ loại như đậu xanh, đậu đỏ, mè đen, khoai môn, sữa dừa, lá dứa, trà xanh, cả các loại nhân cà phê, ca cao… được bán với giá chỉ từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, cao giá hơn là hạt sen cũng chỉ 85.000 đồng/kg.

 

Các loại nhân bánh làm sẵn này được pha chế thêm thành phần khác, có thể là bột, chất tạo ngọt, màu thực phẩm, chứ với mức giá 50.000-70.000 đồng/kg, sẽ không thể nào sản xuất được nhân bánh trung thu hạt sen... đạt chuẩn. Bởi nhân bánh phải có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg mới đảm bảo chất lượng, còn loại nhân bánh làm sẵn bán trên thị trường chỉ bằng 1/3 giá trên.

 

Một bác sỹ của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm nhận định: “nhân bánh Trung thu làm sẵn đóng gói rất dễ bị hỏng nên cơ sở sản xuất thường cho vào nhiều phụ gia, hóa chất bảo quản. Ngoài ra vì lợi nhuận nhiều cơ sở còn sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm độc hại đã bị cấm trong thực phẩm. Ngay cả với hóa chất thực phẩm nếu cho quá liều lượng thì độ độc hại cũng giống như hóa chất công nghiệp. Người ăn bánh Trung thu làm từ các loại nhân này, đặc biệt là trẻ em sẽ có nguy cơ bị hóa chất làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa, gan thận…”.

 

Mỗi mùa Trung thu đi qua, các bệnh viện đều đã tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc vì ăn phải bánh Trung thu rởm, bị mốc, quá hạn. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe trong mùa Trung thu năm nay, các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên: Trước khi mua bánh, người tiêu dùng cần quan sát nơi bày bán bánh phải đảm bảo vệ sinh, không gần cống rãnh và nếu được bảo quản trong tủ kính thì càng tốt. Nên chọn sản phẩm có lớp bao bì còn nguyên vẹn, không bị rách, xì hơi, dầu chảy ra ngoài, có túi bảo quản trong từng gói bánh. Hình ảnh, chữ và nhãn hiệu của công ty trên bao bì phải rõ ràng như tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng…

 

Các nguy cơ nhiễm độc từ bánh trung thu phát sinh chủ yếu từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản bánh. Vì thế, người tiêu dùng nên sử dụng bánh của các công ty có đăng ký tiêu chuẩn về chất lượng với cơ quan y tế và được chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm..../.

 

 

Theo báo điện tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm