Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm có hàng nghìn tấn vỏ thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường đồng ruộng do người dân sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng.
Nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gia tăng
Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam với hơn 70% dân số đang chuyển mạnh sang cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn, trong đó trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Cùng với sự chuyển biến tích cực về đời sống, xã hội, nông thôn nước ta vẫn còn bộc lộ những yếu kém về phát triển thiếu quy hoạch, tự phát, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn là do chất thải rắn phát sinh từ việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động trồng trọt.
Tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, thiếu kiểm soát. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2000 đến nay, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng từ 35.000 đến hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật.
Thông thường lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng số thuốc tiêu thụ, những năm gần đây, số lượng bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật lên tới hơn chục nghìn tấn mỗi năm.
Chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80 kg đến 90 kg/ha, riêng cho lúa là từ 150 kg đến 180 kg/ha, đã làm phát sinh bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại.
Tại tỉnh An Giang, theo kết quả điều tra của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, trong vòng 10 năm qua, lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng lên 4,5 lần nhưng ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn cho cộng đồng, cho môi trường lại chẳng tăng thêm phần nào.
Nếu trước đây, thuốc chủ yếu sử dụng cho cây lúa thì ngày nay còn được sử dụng phổ biến trên cây rau và nhiều loại cây trồng khác. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 80% nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, việc xử lý vỏ bao bì chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất, cơ sở kinh doanh và nông dân quan tâm xử lý. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến vấn đề ô nhiễm chất thải do thuốc bảo vệ thực vật và về lâu dài sẽ tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Mối nguy hại từ loại rác thải trên đồng ruộng
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường An Giang cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chất thải nông nghiệp nguy hại trên địa bàn tỉnh này, bởi đây là vựa lúa được xem là lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, với khối lượng ước tính hàng năm khoảng trên một nghìn tấn vỏ, chai bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã và đang là vấn đề nan giải không những đối với các nhà quản lý, mà còn là mối lo chung của xã hội. Do vậy, công tác định hướng các giải pháp để xử lý triệt để loại chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh An Giang luôn là vấn đề mà các cấp lãnh đạo ưu tiên quan tâm.
Tình trạng chung ở An Giang là, phần lớn các vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bà con thải bỏ lại môi trường, chỉ có khoảng hơn 10% ve chai được bán và khoảng 20% thu gom lại và đốt bỏ, 5% sử dụng phương pháp chôn lấp. Chính vấn đề này đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, nhãn mác của các chai lọ đựng thuốc. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại các bệnh viện và trên 300 trường hợp tử vong.
Còn tại Phú Yên, tuy chưa có thống kê chính thức về việc thải những chai, túi đựng hóa chất độc hại này ra môi trường, nhưng thử làm một phép tính đơn giản là Phú Yên có trên 72.000ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm phải sử dụng hàng trăm loại thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ có hàng triệu chai, túi đựng thuốc được vứt ra đồng ruộng, vườn tược. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Do hiện nay, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lỏng lẻo, thị trường tràn lan những loại thuốc độc hại cấm sử dụng, thuốc quá đát... mà chỉ có một số ít nông dân có ý thức được việc vứt bỏ chai, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nên đã đem đi chôn, còn đa số bà con vẫn có thói quen quăng ngay tại ruộng vườn.
Ngay tại vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm hợp tác xã Thanh long Chợ Gạo - tỉnh Tiền Giang cho biết, thực trạng về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và việc bảo vệ môi trường chung cũng còn nhiều điểm bất cập: Người làm vườn theo tiêu chuẩn GAP có ý thức bảo vệ môi trường tương đối tốt nhờ được tập huấn cách xử lý các chất thải như vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật; không bao giờ mang cành thanh long hay chất thải khác bỏ xuống dòng nước đang sử dụng.
Tại các vườn trồng theo tiêu chuẩn mới đều có xây dựng nhà vệ sinh, nhà kho, sân pha thuốc riêng. Người làm theo mô hình GAP thì muốn làm sao nước ở dưới kinh phải rửa mặt, rửa tay được. Tuy vậy, có thực trạng là trong khi những nhà vườn làm theo tiêu chuẩn GAP phải thường xuyên đi thu gom các chất thải trong sản xuất nông nghiệp nhưng ít ngày lại thấy trong vườn một bọc toàn là vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật. Thậm chí nhà vườn phải đi thu gom vỏ chai, bao đựng thuốc trên những con đường vào vườn thanh long của mình; mỗi đầu đường còn để cần xé, thùng nhựa để người dân bỏ vào nhưng ít ngày sau cũng bị mất. Thực trạng trên là không mới trong sản xuất nông nghiệp, bởi trên những cánh đồng lúa, cây ăn trái... chúng ta đều dễ dàng nhận thấy rất nhiều vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật được vứt lung tung, chưa kể việc sử dụng các loại phân thuốc bảo vệ.
Không chỉ ở đồng bằng, nhiều khu vực miền núi, tình trạng ném bỏ vỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật xuống mương nước khá phổ biến, đơn cử, tại cánh đồng xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật nằm rải rác khắp bờ ruộng, trên lối đi, dưới kênh mương. Hành vi này cho thấy người nông dân chưa lường đến tính độc hại của bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực đối với môi trường và sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm hoang hóa tài nguyên đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người chính từ đây.
Việc xả rác bừa bãi hay lúng túng trong khâu xử lý rác thuốc bảo vệ thực vật không chỉ là câu chuyện riêng của người nông dân ở một địa phương nào, mà nó còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước. Thói quen xả bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng của nông dân đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư và đang trong tình trạng đáng báo động.
Tìm một giải pháp xử lý hiệu quả vấn nạn rác thải đồng ruộng
Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40-55%. Mới chỉ có trên 60% số thôn, xã tổ chức thu gom rác định kỳ. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại vỏ bao bì, hoá chất bảo vệ thực vật cũng được nhiều tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện như Nghệ An, Tuyên Quang, Vĩnh Long… Song, các biện pháp này được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng phuy chứa, không có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.
Tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khắc phục tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các bể thu gom rác thải nhưng nơi để rác bảo vệ thực vật ở đó cũng còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương sử dụng bể chứa rác có đáy và mái che, sau đó tổ chức thu gom rác theo định kỳ để chuyển đến đơn vị có thẩm quyền tiêu hủy. Nhưng nhiều nơi, do không có kinh phí nên bể chứa rác không đạt tiêu chuẩn, do vậy rác thải vẫn gây ô nhiễm ra bên ngoài.
Theo ông Lương Trác Kiềm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Úc, một đơn vị chế biến thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong nhiều năm qua, công ty đã ký hợp đồng với nông dân ở các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng trồng các loại cây ăn quả lên tới hàng nghìn ha, do vậy, công ty cũng đã phải cung cấp cho người nông dân rất nhiều phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật, tận mắt chứng kiến lượng rác thải không nhỏ ra ruộng đồng mỗi vụ, ông Kiềm cho rằng, giải pháp trước mắt cần xây dựng mô hình thu gom và phân loại chất thải tại hộ gia đình, cần khuyến cáo nông dân hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết. Mặt khác, Nhà nước cần tăng cường việc quản lý, cung ứng, bảo quản, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ cấp trung ương tới địa phương, đồng thời xã hội hóa công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trong nông nghiệp với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ở An Giang, từ năm 2009 đến nay, thông qua các chương trình liên tịch với Hội Nông dân tỉnh An Giang, bà con nông dân đã triển khai thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tuy nhiên, số lượng thu gom hạn chế là do thiếu kinh phí tiêu hủy, chủ yếu lấy từ 1% sự nghiệp bảo vệ môi trường nên chỉ có thể thực hiện được ở một số ít xã, phường trong tỉnh. Để thực hiện tốt việc quản lý này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các việc, như: Tuyên truyền vận động nông dân tham gia thu gom và phải có nguồn kinh phí để thực hiện việc tiêu hủy chất thải này. Đồng thời, các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Nhiệm vụ này đã được quy định tại Khoản 1, Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ phải do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi… do vậy, đến nay vấn đề này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý.
Do vậy, Nhà nước phải có những chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất sạch hơn, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, năng lực về quản lý chất thải rắn. Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong quy hoạch chiến lược và ban hành các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn nông thôn. Dựa vào những nghiên cứu cụ thể về đặc trưng chất thải rắn ở từng địa phương, để chọn lựa phương pháp xử lý chất thải rắn phù hợp nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn nông dân tích cực sử dụng biện pháp sinh học, vật lý, sử dụng thiên địch để phòng, trừ dịch hại, giảm sự lệ thuộc vào thuốc hóa học, đặc biệt khi sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần có nghiên cứu cụ thể, từ đó đề ra các giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường./…
Theo Báo điện tử ĐCSVN