Cập nhật: 01/11/2012 16:25:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau cơn bão số 8, sản xuất vụ đông ở nhiều tỉnh miền Bắc đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Bão vừa tan, nhiều địa phương đã hối hả chạy đua để khôi phục cây màu vụ đông...

Có mặt ở xã Vân Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trong ngày 31.10, phóng viên NTNN nhận thấy thiệt hại do bão số 8 gây ra đối với lúa, hoa màu ở đây rất lớn. Hàng trăm ha lúa chưa kịp thu hoạch đã bị nhấn chìm trong nước, nhiều nông dân đang phải ngâm mình để gặt nốt những ruộng lúa còn sót lại. Anh Nguyễn Đức Tín ở thôn Miên, xã Vân Tố cho hay: “Lúc đầu nghĩ bão không vào nên định để lúa chín thêm chút nữa mới gặt, nên khi bão vào đã trở tay không kịp, cả 8 sào lúa nhà tôi đều bị chìm trong nước”.

 

Thiệt hại đối với các hộ trồng dưa hấu ở các xã Nguyên Giáp, An Thanh của huyện Tứ Kỳ còn lớn hơn, khi có tới hàng trăm ha dưa đang chuẩn bị thu hoạch bị vùi lấp dưới bùn nước. Ông Nguyễn Văn Bảng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyên Giáp trồng 3 sào dưa hấu, 2 sào ngô cũng bị thiệt hại khoảng 18 - 20 triệu đồng. “Vụ đông ở đây rất quan trọng để bà con sản xuất rau màu, có thêm thu nhập, nhưng mưa bão đã phá hỏng tất cả kế hoạch sản xuất của chúng tôi” - ông Bảng nói. Ước tính chỉ riêng xã Nguyên Giáp đã bị thiệt hại 2,7 tỷ đồng do mưa làm hỏng dưa hấu.

 

Ông Nguyễn Văn Bột - Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: “Chúng tôi đang thống kê cụ thể tổng diện tích cây trồng vụ hè thu và thu đông bị thiệt hại trong cơn bão số 8, sau đó sẽ gửi công văn lên tỉnh xin đề nghị hỗ trợ. Còn về phía huyện, hoàn toàn không có ngân sách để hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại”.

 

Các tỉnh Nam Định, Thái Bình cũng bị thiệt hại rất lớn sau bão số 8. Theo ông Đỗ Hải Điền- Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Nam Định), toàn tỉnh có 5.810ha lúa mùa và hơn 12.800ha cây vụ đông bị ngập úng, đổ nát. Ước thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng. Riêng nuôi trồng thủy sản bị đổ và hư hại trên 600 chòi canh, mất toàn bộ diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, ước thiệt hại trên 50 tỷ đồng…

 

Tại Thái Bình, thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy, vẫn còn hơn 5.000ha lúa mùa chưa thu hoạch, nguy cơ mất trắng 50-70%; thiệt hại nặng nhất là đối với cây vụ đông, gần như mất trắng, đặc biệt là nhóm cây ưa ấm có giá trị cao như ớt, dưa bí các loại…. Tổng diện tích nhóm cây ưa ấm bị thiệt hại từ 29.000- 30.000ha, giá trị kinh tế trên 1.000 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Định- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình cho biết: “Chúng tôi đang chỉ đạo khẩn trương khắc phục để tiếp tục triển khai cây vụ đông”.

 

Khẩn trương tiêu úng, tiếp tục gieo trồng

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), trước khi bão số 8 đổ bộ, toàn miền Bắc đã gieo trồng được khoảng 277.000ha cây vụ đông (đạt gần 60% kế hoạch), trong đó Bắc Trung Bộ đạt 74%, đồng bằng sông Hồng đạt hơn 62%... Ông Trần Xuân Định cho rằng, vụ đông năm nay triển khai ở miền Bắc là hợp với khung thời vụ và nền nhiệt. “Khoảng 7 năm trở lại đây, cuối tháng 9 là hết bão nhưng năm nay đến cuối tháng 10 bão vẫn đổ bộ vào nên thiệt hại cho cây vụ đông là khó tránh khỏi”- ông Định cho biết thêm.

 

Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương tạm dừng việc gieo trồng cây vụ đông sớm trong khi chưa tiêu thoát nước hết. Đồng thời, chuẩn bị đủ lượng hạt giống, cây giống đảm bảo chất lượng để sẵn sàng trồng giặm, gieo trồng bổ sung kịp thời đối với diện tích vụ đông sớm bị thiệt hại do mưa bão gây ra đối với các cây trồng còn thời vụ.Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin: Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tính đến 31.10, bão số 8 đã làm hơn 20.000ha lúa và hơn 60.000ha cây vụ đông bị ngập úng. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại để nhanh chóng có kế hoạch phục hồi sản xuất”.

 

Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương cần tập trung thu hoạch gọn diện tích lúa mùa còn lại, cùng diện tích rau màu, sắn, mía ở những vùng trũng, vùng thấp có nguy cơ bị ngập úng cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 

TS Lê Quốc Doanh- Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị: “Đối với diện tích cây vụ đông đã gieo trồng, các địa phương cần có kế hoạch khoanh vùng ưu tiên bơm, tát và tiêu nhanh những diện tích có nguy cơ ngập úng cao. Hướng dẫn các biện pháp che phủ, lên luống, vét rãnh để tiêu thoát nước kịp thời, hạn chế giập nát cây non khi có mưa lớn xảy ra”.

 

 

Theo Báo điện tử Dân Việt

Tệp đính kèm