Cập nhật: 02/11/2012 16:15:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng và thịt gia súc gia cầm nhập lậu lớn…

Ngày 1/11, tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chăn nuôi trong nước gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng, thịt gia súc gia cầm nhập lậu lớn… khiến nhiều trang trại phải bỏ trống…

 

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT): Tính đến 31/8, lượng thịt heo nhập khẩu vào thị trường nội địa là 2.735 tấn (nhập chủ yếu từ Mỹ, và Canada); trong 9 tháng đầu năm, lượng thịt gà nhập khẩu đạt 52.586 tấn các loại. Nhất là gà nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng mạnh từ tháng 5/2012 đến nay.

 

Song song với lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu chính ngạch thì lượng thịt nhập lậu cũng tuồn vào thị trường nội địa với số khá lớn. Đặc biệt là gà đẻ thải loại  nhập lậu tăng mạnh do chênh lệch giá giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y Văn Đăng Kỳ cho biết: việc gà loại thải tràn vào trong nước sẽ khó kiểm soát được dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm. Hiện tất cả nhóm vi rút A, B, C đều đang lưu hành và rộng khắp các tỉnh từ miền Bắc vào miền Trung, miền Nam. Nhiều khả năng vi rút này xuất phát từ Trung Quốc, lây lan từ gà thải loại theo đường nhập lậu về Việt Nam. Bởi thông thường, từ trước đến nay, gà “đầu trọc” Trung Quốc đi tới đâu thì các loại vi rút trên gia cầm đi tới đó. Đây sẽ là một hiểm họa khôn lường cho người và vật nuôi.

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, giá thịt gia súc, gia cầm rất thấp (thấp nhất là tháng 8), người nuôi heo lỗ từ 1.000 - 3.000 đ/kg và người nuôi gà lỗ từ 2.000 - 4.000 đ/kg… trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá nguyên liệu và thức ăn đã tăng từ 5-10%.

 

Ngoài việc dịch bệnh hiện vẫn còn diễn biến phức tạp thì tình trạng thiếu vốn do người chăn nuôi, chủ trang trại và doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vốn nên dẫn đến chuồng trại bỏ trống khá phổ biến từ giữa năm nay. Điển hình như tại tỉnh Đồng Nai, có khoảng 250 trang trại chăn nuôi chuyển sang nuôi gia công heo, gà cho các công ty. Tổng đàn heo của Đồng Nai trước kia là 1,2 triệu con nay còn khoảng 1 - 1,1 triệu con. Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức đã phát hiện số lượng lớn gà không rõ nguồn gốc đã bốc mùi hôi thối được vận chuyển trên xe khách đưa vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

 

 

Theo thông lệ, từ nay đến Tết Nguyên đán là khoảng thời gian NTD sẽ tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm. Vì vậy, NTD hết sức lo lắng về tình trạng thịt gia súc, gia cầm nhập lậu sẽ tràn vào thị trường nội địa nếu việc kiểm soát không chặt chẽ?

 

Trong giải pháp chống gia súc, gia cầm nhập lậu, Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, cần tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm dịch, thành lập các đội kiểm tra liên ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng thú y, thực hiện kiểm tra 24/24h tại các chốt, trạm. Kiểm tra tại các tỉnh có chợ đầu mối lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Đối với các sản phẩm thịt nhập chính ngạch: cần tăng cường xây dựng các hàng rào kỹ thuật để giảm bớt việc nhập khẩu chính ngạch hoặc coi đây là phụ phẩm không được nhập khẩu (thời hạn sử dụng còn dài).

 

 

Theo cand online

Tệp đính kèm