Để kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 7, số 8 tại các tỉnh tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng), các công ty bảo hiểm đã hoàn tất hồ sơ để bồi thường cho người nông dân.
Theo ước tính thiệt hại sơ bộ của Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá trong cơn bão số 7 khá lớn. Tỉnh Nghệ An sơ bộ thiệt hại tại các huyện triển khai bảo hiểm cây lúa là 7.681 ha, với mức thiệt hại từ 10-70% sản lượng, trong đó Quỳnh Lưu bị thiệt hại 760 ha, Diễn Châu bị thiêt hại 1.388 ha, Yên Thành có 5.533 ha bị thiệt hại.
Tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại sơ bộ tại các huyện triển khai bảo hiểm cây lúa là 2.928,42 ha. Trong đó, huyện Hương Khê ngập úng 800 ha lúa hè thu, vụ mùa; huyện Đức Thọ có tổng diện tích lúa bị ngập là 809,8 ha, trong đó ngập trắng là 355 ha; huyện Cẩm Xuyên có 1.318,62 ha lúa bị đổ và ngập.
Tổng số tiền thiệt hại qua cơn bão số 7 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ước khoảng 6 tỷ đồng thuộc phạm vi bảo hiểm. Cho đến nay các công ty bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh đã hoàn tất hồ sơ và dự kiến bồi thường trong tháng 11/2012 là 4 tỷ, số còn lại các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết cho bà con nông dân.
Đối với cơn bão số 8 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua đã khiến một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Theo thông tin từ Cục Giám sát và quản lý Bảo hiểm - Bộ Tài chính, sơ bộ thiệt hại tại các tỉnh tham gia bảo hiểm nông nghiệp (Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng) là rất lớn.
Trong đó, tỉnh Thái Bình, sơ bộ thiệt hại tại các huyện triển khai bảo hiểm cây lúa trên 4.000 ha, trong đó huyện Tiền Hải bị thiệt hại nặng nhất với 3.600 ha. Điều đáng nói, 85% diện tích này là lúa đã chín nhưng chưa kịp thu hoạch nên bị rụng hạt và nảy mầm trên bông. Tỉnh Nam Định với 54 xã tham gia bảo hiểm cây lúa, ước tính số ha lúa bị thiệt hại trong bão số 8 là trên 2.500 ha. Trong đó, huyện Trực Ninh bị thiệt hại 1.044 ha; huyện Hải Hậu bị thiệt hại 1.505 ha.
Hiện tại, các công ty bảo hiểm cũng đã chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục để sớm giải quyết đền bù thiệt hại cho bà con nông dân. Giám đốc công ty Bảo Minh Nam Định cho biết, với hơn 10.000 đơn đăng ký tham gia bảo hiểm nông nghiệp, Bảo Minh Nam Định đã chuẩn bị xong mọi thủ tục thuộc trách nhiệm của mình, chỉ còn đợi chốt số liệu thống kế sẽ thực hiện ngay việc trao bồi thường cho bà con nông dân.
Theo Nguyệt Anh/Chinhphu.vn