Cập nhật: 21/11/2012 16:14:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong phòng chống thiên tai, Nhà nước không thể chỉ có vai trò hỗ trợ. Sáng 21/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Thể hiện rõ vai trò của Nhà nước

 

Nhiều ý kiến cho rằng Khoản 2, Điều 4 về Nguyên tắc cơ bản trong phòng chống thiên tai của dự thảo thể hiện “Phòng chống thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó “cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ” là chưa hợp lý.

 

Theo đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa), quy định như vậy chưa thể hiện rõ vai trò của Nhà nước. Phòng chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính ttrị, cá nhân, cộng đồng nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo để huy động các nguồn lực. Do đó, đại biểu  đề nghị Khoản 2 cần thay cụm từ “nhà nước hỗ trợ” thành “nhà nước chịu trách nhiệm chính”.

 

Cùng chung ý kiến, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân nên trong phòng chống thiên tai, Nhà nước phải thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mình. Do đó, việc quy định nguyên tắc “cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau, nhà nước hỗ trợ” là chưa hợp lý.

 

Đại biểu Chu Đức Quang (đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng, để phòng, tránh thiên tai hiệu quả cần sự phối hợp của tất cả các cấp, ngành, cá nhân, cộng đồng, nhưng trách nhiệm trước tiên là của Nhà nước.

 

Có ý kiến cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo luật thì khi thiên tai xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng do những yếu tố chủ quan, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan dễ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

 

Cấm sử dụng sai ngân sách, trục lợi hàng cứu trợ

 

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đăk Nông) cho rằng, do đặc thù địa lý nhiều vùng thường đối mặt với thiên tai nên cần bổ sung chính sách cho các vùng này. Đại biểu Hạnh đề nghị, cần quy định cụ thể từng lĩnh vực và quy định rõ hơn, nhiều hơn trách nhiệm phòng, tránh thiên tai của từng cơ quan và cả cộng đồng; đề nghị bổ sung nội dung khen thưởng về phòng, chống thiên tai để tôn vinh tập thể, cá nhân có những đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống thiên tai.

 

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần bổ sung quy định về lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, có thể đưa về lực lượng vũ trang; xem xét thêm quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức trong phòng, chống thiên tai.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (đoàn Quảng Nam) đề nghị, dự án luật bổ sung thêm hiện tượng sụt lún đất vào các loại hình thiên tai và nhanh chóng xây dựng phương án phòng, chống, giảm thiệt hại cho người dân, cưỡng chế với người dân khi không thực hiện Lệnh di tán khi cảnh báo thiên tai xảy ra. Đại biểu Thanh đề nghị, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những quy định để tránh lợi dụng thiên tai xảy ra để sử dụng sai ngân sách, kinh phí, có nguy cơ tham nhũng khi sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai…

 

Về nguồn kinh phí trong phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (đoàn Thái Bình) cho rằng dự hảo cần quy định rõ hơn nguồn NSNN trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai… Về nguồn quỹ tự nguyện và đóng góp bắt buộc cần quy định rõ luôn trong Luật và nêu rõ cơ quan nào quản lý để tăng tính minh bạch.

 

Về quản lý và cấp phát nguồn hàng cứu trợ khi thiên tai xảy ra, đại biểu Nguyễn Cao Phức (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, trong dự án luật phải ghi rõ, cấm lợi dụng việc tiếp nhận hàng cứu trợ ủng hộ thiên tai lũ lụt để trục lợi./.

 

"Việt Nam đóng góp tích cực trong hợp tác chống cướp biển"

 

 

 

Theo Ngọc Thành/VOV online

Tệp đính kèm