Ngày 1/12 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Đây là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nâng cao nhận thức và thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc đối mặt với đại dịch này.
Đây cũng là dịp để các đối tác tuyên truyền kiến thức về đại dịch này và khuyến khích sự phát triển trong phòng chống HIV/AIDS, điều trị và chăm sóc ở những nước có tỉ lệ nhiễm cao và trên toàn thế giới.
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Chiến dịch phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc tập trung vào mục tiêu “Không còn người tử vong do AIDS” là tăng cường các hoạt động điều trị cho người nhiễm, kêu gọi các chính phủ cùng hành động.
Báo cáo mới nhất do Chương trình Phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công bố cho thấy nỗ lực đấu tranh phòng chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả tích cực chưa từng có. Theo đó, số lượng các ca nhiễm mới đã giảm hơn 50% trong 25 quốc gia có thu nhập thấp hay trung bình, trong đó hơn một nửa là ở châu Phi cận Sahara, khu vực khó khăn vốn chịu tác động nặng nề nhất bởi virus HIV.
Ở một số nước vốn có tỉ lệ người nhiễm HIV cao nhất trên thế giới, số lượng các ca nhiễm HIV mới cũng đã giảm đáng kể từ năm 2001, như: 73% ở Malawi, 71% ở Botswana, 68% ở Namibia, 58% Zambia, Zimbabwe 50% và 41% ở Nam Phi và Swaziland.
Bên cạnh những kết quả tốt đẹp thu được về dự phòng HIV, khu vực châu Phi cận Sahara cũng đã giảm được 1/3 số ca tử vong liên quan đến AIDS trong vòng 6 năm qua và tăng 59% số lượng người được điều trị kháng virus chỉ trong vòng 2 năm.
Các tiến bộ đã đạt được với tốc độ nhanh chưa từng có. Thực tế cho thấy, những kết quả đã đạt được trong vòng 24 tháng qua có giá trị bằng của cả thập kỷ trước đó. Có thể lấy Nam Phi làm minh chứng khi quốc gia này đã mở rộng được diện điều trị thêm 75% chỉ trong vòng 2 năm qua - đã giúp 1,7 triệu người có thể được điều trị và làm giảm hơn 50.000 trường hợp nhiễm mới chỉ trong 2 năm. Trong thời gian này, Nam Phi cũng đã tăng cường các khoản đầu tư phòng chống AIDS của quốc gia lên đến 1,6 tỷ USD, mức cao nhất trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo báo cáo của UNAIDS, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chia sẻ trách nhiệm chung thông qua việc gia tăng các khoản đầu tư của quốc gia mình. Chỉ trong giai đoạn năm 2001-2011, đã có hơn 81 nước tăng đến 50% lượng đầu tư cho công tác phòng chống HIV.
Giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới ở trẻ em
Lĩnh vực có nhiều tiến bộ nhất được ghi nhận, đó là việc giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới ở trẻ em. Trong 2 năm qua, đã giảm 50% số lượng các ca nhiễm HIV mới trên thế giới xảy ra ở trẻ sơ sinh. Cũng trong 2 năm qua, số lượng các ca nhiễm HIV mới ở trẻ em đã giảm 24%. Trong 6 quốc gia - Burundi, Kenya, Namibia, Nam Phi, Togo và Zambia - số lượng trẻ em bị nhiễm HIV mới đã giảm ít nhất 40% vào giai đoạn giữa năm 2009 và 2011.
Giảm tỷ lệ tử vong do AIDS
Cũng theo báo cáo vừa được UNAIDS công bố, điều trị kháng virus đã nổi lên như một công cụ hiệu quả để cứu lấy các sự sống thoát khỏi HIV/AIDS. Trong 24 tháng qua, số lượng người được điều trị ARV đã tăng 63% trên toàn thế giới. Tại khu vực châu Phi vùng Sahara, 2,3 triệu người đã được điều trị. Trung Quốc cũng đã tăng gần 50% số người được điều trị chống lại HIV trong năm ngoái.
Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2011, số người tử vong do AIDS đã giảm hơn 500.000 người. So với năm 2005, số ca tử vong có liên quan đến HIV/AIDS đã giảm xuống 100.000 tại Nam Phi, gần 90.000 ở Zimbabwe, 71.000 ở Kenya và 48.000 ở Ethiopia.
Những bước phát triển rất ấn tượng cũng đã được ghi nhận trong việc giảm các ca tử vong liên quan đến bệnh lao của những người sống chung với HIV. Trong 24 tháng qua, số ca tử vong do bệnh lao liên quan đến AIDS đã giảm được 13%. Kết quả này đạt được là nhờ vào tốc độ tăng kỷ lục 45% số lượng người bị đồng nhiễm lao/HIV có thể được tiếp cận điều trị ARV.
Đầu tư được tăng cường
Trong thời gian vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của cuộc khủng hoảng kinh tế, song hầu hết các quốc gia vẫn chú trọng tới công tác phòng chống HIV/AIDS, thể hiện qua việc tăng cường đầu tư phân bổ cho công tác này.
Trong năm 2011, lần đầu tiên, lượng đầu tư của quốc gia ở các nước có thu nhập thấp và trung bình vượt quá các khoản tài trợ quốc tế cho cuộc chiến toàn cầu chống HIV. Tuy nhiên, viện trợ quốc tế vẫn được xem là một nguồn lực cần thiết cho nhiều quốc gia. Tại 26 trong số 33 quốc gia thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, khoản ủng hộ của các nhà tài trợ hỗ trợ chiếm tới hơn một nửa các khoản đầu tư được phân bổ cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, Mỹ đóng góp 48% tổng lượng viện trợ quốc tế dành cho cuộc chiến chống lại virus HIV và một phần đáng kể được cung cấp bởi Quỹ toàn cầu chống lại bệnh AIDS, lao và sốt rét.
Còn đó những khó khăn
Mặc dù không thể phủ nhận những tiến bộ đạt được trong việc hạn chế số người nhiễm HIV mới, song thực tế trong những năm gần đây, một số vùng trên thế giới vẫn ghi nhận xu hướng gia tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế. Theo các điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ trả lời chính xác 5 câu hỏi về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV.
Thêm vào đó, trên thế giới, đến nay, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV vẫn chưa tiếp cận được với các thuốc có ý nghĩa sống còn này đối với họ. Do vậy để thực hiện được mục tiêu không còn người tử vong do các nguyên nhân có liên quan đến AIDS thì giải pháp tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS đóng vai trò quan trọng.
Hơn nữa, đằng sau những thành tựu bước đầu ghi nhận được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, vẫn còn đó tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú hoặc tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS... Có thể khẳng định rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS hạn chế tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS.
Nỗ lực hướng tới không còn người nhiễm mới HIV
Trong thông điệp được gửi đi nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon một lần nữa nhắc lại rằng: “Một trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến cuộc chiến chống HIV/AIDS là rất rõ ràng: xóa bỏ dịch bệnh và đảo ngược xu hướng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Nhờ có những nỗ lực, quyết tâm của các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, thành công là trong tầm tay”.
Nhân dịp này, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tăng cường hơn nữa các nỗ lực để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử, vốn là những nhân tố làm tăng nguy cơ trong phần dân số dễ bị tổn thương. (...) Mỗi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều có thể thực hiện các quyền cơ bản của họ để chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu nhằm giúp họ thoát khỏi căn bệnh này”.
Ông Ban Ki-moon nêu rõ: Mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS" là hoàn toàn có thể đạt được. Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, chúng ta phải cùng cam kết làm sâu sắc hơn nữa các chiến thắng đáng khích lệ trong những năm vừa qua và để tăng cường hiệu quả của công tác phòng và chống HIV/AIDS trong những năm sắp tới./.
Theo Hải Lê/Báo điện tử ĐCSVN