Tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội vụ năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ như vậy và đề nghị ngành Nội vụ có giải pháp cải cách thể chế, công vụ.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2012, toàn ngành đã hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực được giao. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2012-2020, với những giải pháp chỉ đạo thiết thực, quyết liệt, hiệu quả, góp phần tạo nhiều chuyển biến quan trọng.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành được Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung theo tinh thần cải cách hành chính. Bộ máy chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp được củng cố, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý cán bộ, công chức để đẩy mạnh thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng, văn thư lưu trữ, quy hoạch thanh niên, quản lý hội có chuyển biến tích cực, chủ động trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn thuộc ngành mình.
Tuy nhiên, điểm lại hoạt động năm 2012, Bộ Nội vụ nhận thấy còn những hạn chế như việc xây dựng một số văn bản, đề án còn chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản chưa cao, còn chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Một số nội dung cải cách hành chính còn chậm, chưa có điểm đột phá với những giải pháp mạnh, triệt để.
Toàn ngành chưa tập trung giúp lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo luật. Việc phân cấp chưa tiếp tục đẩy mạnh, thiếu đồng bộ, bộ máy hành chính còn tầng nấc, hiệu quả, hiệu lực hoạt động còn chưa cao. Công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế còn chậm, thống kê báo cáo chưa đi vào nền nếp
Nhiệm vụ năm 2013 của ngành Nội vụ là cải cách chế độ công chức, công vụ, thu hút nhân tài và triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, không có tham nhũng, chạy chức chạy quyền, chạy huân chương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bên cạnh biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém, vướng mắc mà ngành cần khắc phục ngay.
Đó là việc xây dựng văn bản, thể chế còn chậm tiến độ, cải cách hành chính có tiến bộ nhưng chưa đột phá, chưa đạt yêu cầu, khiến người dân còn phàn nàn về bộ máy hành chính. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ công chức còn nhiều hạn chế. Tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức cần chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, bộ máy còn cồng kềnh, biên chế lớn nhưng chưa hiệu quả.
“Có người nói, trong mỗi cơ quan hành chính hiện nay có đến 30% làm việc không hiệu quả, không cần thiết, nếu đi vắng cũng không sao. Vì vậy, ngành Nội vụ phải có giải pháp đối với thực trạng này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Do đó, yêu cầu đặt ra với ngành Nội vụ là phải sâu sát, cụ thể, gương mẫu. Mỗi cán bộ, công chức phải có tâm, có đức, không cục bộ bè phái, trong sáng, không phiến diện để tham mưu bổ nhiệm cán bộ tốt nhất.
Nhân đây, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hà Nội cần nghiêm túc kiểm tra, làm rõ thông tin “chạy” không dưới 100 triệu đồng mới đỗ công chức trên địa bàn thành phố.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn