Cập nhật: 10/01/2013 10:08:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2013, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 85 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để hoàn thành kế hoạch này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định bên cạnh việc củng cố các thị trường truyền thống sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường mới và nâng cao tay nghề lao động...

Không đạt chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm 2012

 

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2012 cả nước đã xuất khẩu lao động 80 ngàn người (trong đó 26,8 ngàn lao động nữ). Một số thị trường truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam như: thị trường Đài Loan (Trung Quốc) hơn 30.500, Hàn Quốc hơn 9.200, Nhật Bản gần 8.800, Lào gần 6.200…

 

Như vậy, năm 2012, ngành xuất khẩu lao động đã không thể cán đích xuất khẩu 90 nghìn lao động do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH thì đây cũng là kết quả tích cực trong điều kiện kinh tế thế giới khôi phục chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước tiếp nhận lao động tăng cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã chủ động cơ cấu lại hoạt động; cơ cấu lại thị trường, tập trung vào các thị trường có thế mạnh; thực hiện tốt hơn công tác đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt trong bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, phong tục, tập quán, pháp luật liên quan của các nước tiếp nhận lao động; liên kết với các cơ sở dạy nghề để đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường…

 

Một số tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp và cơ sở xuất khẩu lao động để triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin đến người lao động, gia đình, chính quyền xã, phường... về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong xuất khẩu lao động và đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Nghệ An 10.250 người; Thanh Hoá 8.860 người; Hải Dương 3.374 người; Bắc Giang 3.500 người; Thái Bình 2.100 người; Thái Nguyên 1.200 người;Tuyên Quang 500 người; Quảng Bình 2.090 người...

 

Chú trọng nâng cao tay nghề lao động

 

Dự báo trong năm 2013 tình hình xuất khẩu lao động sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ phấn đấu xuất khẩu lao động 85 ngàn người trong năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, để hoàn thành kế hoạch, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với điều kiện lao động Việt Nam, như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…; tiếp tục các hoạt động để mở thị trường mới như Ăngôla, Bêlarút... Xuất khẩu lao động năm nay cũng sẽ đẩy mạnh các hình thức hợp tác đưa lao động có trình độ, tay nghề đi làm việc như chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên đi làm việc tại Nhật Bản, đào tạo nghề tại CHLB Đức…

 

Riêng về vấn đề lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho hay sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhanh số người làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc để phía bạn sớm ký lại Bản ghi nhớ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong khuôn khổ chương trình EPS.

 

Năm 2013, Bộ cũng sẽ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về cấp, đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bảo đảm công khai minh bạch và tăng cường hiệu quả trong hoạt động cấp, đổi giấy phép; nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động xuất khẩu lao động.

 

Cũng trong năm nay, công tác kiểm tra, thanh tra cũng sẽ được đẩy mạnh và xử lý nghiêm minh đối với những doanh nghiệp xuất khẩu lao động vi phạm các quy định của nhà nước. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời phát hiện và xử lý những tiêu cực, lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động.

 

Đặc biệt, để đạt được mục tiêu về xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XH xác định tăng cường công tác đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài: đảm bảo 100% người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết về ngoại ngữ, phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động.

 

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố triển khai các hoạt động tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến người lao động, gia đình, chính quyền xã, phường... về chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong xuất khẩu lao động. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính để thực hiện nhanh, giảm phiền hà, nhũng nhiễu người lao động khi làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ người lao động vay vốn, chi phí học nghề./.

 

 

Theo Kim Thanh/Báo điện tử ĐCSVN 

Tệp đính kèm