Cập nhật: 25/01/2013 09:46:51 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại Việt Nam, cứ 3 trẻ thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, không đạt tiêu chuẩn chiều cao. Do vậy, Bộ Y tế vừa triển khai kế hoạch năm 2013 của dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em.

 

Năm 2013, mục tiêu chung của dự án là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 16,2% năm 2012 xuống còn 15,6% và SDD (chiều cao/tuổi) từ 26,7% năm 2012 xuống còn 26% năm 2013.

 

 Để làm được điều đó, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng cho người dân; hỗ trợ, phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị SDD nặng bằng các sản phẩm dinh dưỡng và sản phẩm bổ sung chất dinh dưỡng, ưu tiên trẻ dưới 2 tuổi, các vùng khó khăn, vùng tỷ lệ SDD cao. Các địa phương cần phòng chống thiếu vitamin A và các chất vi lượng cho trẻ dưới 5 tuổi, tổ chức kiện toàn và tập huấn cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng, cộng tác viên và cán bộ liên ngành làm công tác dinh dưỡng...

 

Báo cáo tổng kết hoạt động dinh dưỡng năm 2012 cho thấy, năm 2012, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi của cả nước bị suy dinh dưỡng (SDD) (cân nặng/tuổi) là 16,2 %, giảm 0,6% so với năm 2011. Trong đó, trẻ SDD độ I là 14,5 %, độ II là 1,5 % và độ III là 0,1%. Như vậy, các thể SDD đều giảm và hiện nay SDD thể nhẹ là chủ yếu.

 

Tuy nhiên, tỷ lệ SDD chiều cao theo tuổi hiện tại so với tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Y tế thế giới thì vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ SDD (chiều cao/tuổi) năm 2012 là 26,7%. Tỷ lệ SDD trẻ em tính theo các tỉnh thành có sự khác biệt khá lớn ở các vùng sinh thái khác nhau, các tỉnh khác nhau và nhất là giữa nông thôn và thành phố. Các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ SDD ở trẻ em khá lớn như Hà Gang: SDD cân/tuổi là 23,1%, SDD cao/tuổi là 35%; Lào Cai: SDD cân/tuổi là 23,2%, SDD cao/tuổi là 37,8%; Lai Châu: SDD cân/tuổi là 23,5%, SDD cao/tuổi là 36,4%...

 

Chiều cao của trẻ em Việt Nam tỉ lệ thuận với sự phát triển của đời sống người dân, chiều cao của trẻ em Việt Nam trong những năm gần đây được cải thiện một cách rõ nét. Mặc dù vậy, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện vẫn thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm ở nam và 10,7cm ở nữ. Thực trạng đó, phải chăng một phần là những hệ lụy khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi ở Việt Nam vẫn rất trầm trọng với khoảng 30% trẻ em bị thấp . Ngoài yếu tố gen di truyền thì các yếu tố môi trường chính là mấu chốt của việc cải thiện chiều cao, trong đó dinh dưỡng chiếm 32%, vận động chiếm 20%. 

 

 

 

 

Theo Hải Hà/GD&TĐ Online

 

Tệp đính kèm