Cập nhật: 31/01/2013 10:32:41 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác cai nghiện ma túy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về việc tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng và đang đứng trước những khó khăn, thách thức của nhu cầu đổi mới về quan điểm cũng như giải pháp thực hiện trong công tác cai nghiện phục hồi và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác cai nghiện ma túy năm 2012 đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, tăng cường tiếp cận với giải pháp cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng, kết nối với điều trị Methadone. Năm 2012 đã tổ chức quản lý, chữa trị cai nghiện cho 45.598/35.000 lượt người, trong đó cai nghiện tại Trung tâm là 29.617 lượt người, tại gia đình cộng đồng là 6.204 lượt người. Đồng thời, tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy đối với hơn 16 nghìn người; dạy nghề cho gần 5.300 người; hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho gần 4.200 người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

 

Mặc dù vậy, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá: công tác này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về việc tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện và đang đứng trước những khó khăn, thách thức của nhu cầu đổi mới về quan điểm cũng như giải pháp thực hiện trong công tác cai nghiện phục hồi và hội nhập quốc tế.

 

Nguyên nhân là do một số quy định pháp luật còn bất cập (đưa vào cai nghiện tại cộng đồng và đưa vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn, xử phạt vi phạm hành chính với người nghiện ma túy); sự kỳ thị với người nghiện ma túy và hạn chế sự tiếp cận của họ với các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

 

Mặt khác, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng chưa được đầu tư phù hợp; cai nghiện tại Trung tâm đầu tư không đồng bộ, chủ yếu đầu tư xây dựng, nâng cấp chỗ ở, thiếu hạng mục về dạy nghề, phòng học, phòng tư vấn, sinh hoạt nhóm làm hạn chế việc thực hiện quy trình cai nghiện.

 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ đạo các cấp rà soát, đánh giá thực trạng người nghiện ma túy ở địa phương, đánh giá nhu cầu điều trị tại gia đình, cộng đồng, trung tâm và quản lý sau cai tại trung tâm; xác định kế hoạch điều trị, bao gồm đầu tư về cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất; tăng cường đầu tư cho cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: rà soát, đánh giá nhu cầu và lập kế hoạch hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các cơ sở, điểm cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai, bố trí ngân sách cho cấp xã cai nghiện tại gia đình, cộng đồng./.

 

 

Theo Kim Thanh /Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm