Sau khi điều trị, xét nghiệm máu em bé 2 tuổi cho thấy không còn virus HIV, đây là trường hợp thứ 2 trên thế giới được coi là chữa khỏi bệnh.
Bé 2 tuổi đến từ Mississippi (Mỹ) được sinh ra với virus HIV nhiễm từ mẹ. Khi mang thai, người mẹ này không hề biết mình có virus HIV. Sau một thời gian điều trị tăng tốc, em bé này đã không còn virus HIV trong máu.
Thông tin trên được công bố tại 1 cuộc họp về AIDS tại Atlanta (Mỹ). Đây được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tìm phương thuốc chữa căn bệnh nan y này.
Thông thường, để tránh việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả các trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm hay phơi nhiễm HIV đều có chế độ chăm sóc, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Thai phụ bị nhiễm HIV ngoài việc kiểm tra tình hình thai nghén theo định kỳ thì song song đó tình trạng lâm sàng của HIV cũng được kiểm tra chặt chẽ và tuỳ theo thời điểm sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau.
Các bà mẹ đang được điều trị tại các trung tâm HIV về HIV/AIDS sẽ tiếp tục phác đồ điều trị đó, dùng uống thuốc kháng virus (ARV) cho đến lúc sinh. Còn nếu bà mẹ phát hiện sớm, sẽ được các bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị cho mẹ bắt đầu từ tuần thứ 28, tức là từ tháng thứ 7.
Đến lúc sinh, cũng sẽ được chỉ định thêm thuốc để phòng tránh. Tùy thuộc vào thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn mấy của thai kỳ mà có các chỉ định dự phòng khác.
HIV có khả năng lây truyền qua sữa mẹ cao, do đó, cần tư vấn khuyến khích người mẹ nuôi con bằng sữa ngoài. Mẹ không uống ARV phòng và trẻ bú sữa mẹ đến 6 tháng sẽ có nguy cơ từ 30- 40% lây sang con.
Trường hợp người mẹ không uống ARV dự phòng trong thai kỳ và trẻ dùng sữa thay thế sữa mẹ hoàn toàn, nguy cơ lây sang con khoảng 20- 30%. Lý tưởng nhất là mẹ uống ARV dự phòng và trẻ dùng sữa thay thế sữa mẹ hoàn toàn, thì nguy cơ lây sang con chỉ còn 2- 6%.
Với trường hợp em bé này, mẹ không được dùng thuốc kháng virus. Vì vậy, em đã bị nhiễm HIV.
Khi được đưa đến điều trị, đứa trẻ đã được áp dụng chương trình tăng tốc khiến lượng virus trong máu giảm và ngăn chặn nó từ các tế bào của em bé.
Tiến sĩ Gay, người điều trị cho em dùng ba thuốc tiêm truyền tích cực trong 30 giờ sau khi sinh. Đứa trẻ đáp ứng thuốc tốt cho đến 18 tháng tuổi, khi gia đình tạm thời ngừng điều trị. Sau đó, kiểm tra máu, Tiến sĩ Gay không phát hiện thấy virus HIV trong máu đứa bé.
Tính đến năm 2011, khoảng 300.000 trẻ em được sinh ra với virus HIV. Trong số này chủ yếu là ở các nước nghèo, nơi chỉ có 60% phụ nữ mang thai được điều trị có thể ngăn cản họ không truyền virus cho con.
Trước đó, một người tên là Timothy Ray Brown (San Francisco, Mỹ) đã chữa thành công bệnh này. Ông đã không cần thuốc kháng virus HIV trong vòng năm năm kể từ khi cấy ghép tủy.
Timothy phát hiện dương tính với HIV vào năm 1995. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc một căn bệnh khác – bệnh bạch cầu.
Thời gian sau đó, Timothy được cấy ghép tế bào gốc tủy xương để điều trị ung thư máu. Các nhà khoa học cho rằng, chính tế bào gốc của một người hiến tặng mang theo những biến đổi gen hiếm gặp đã tạo ra khả năng miễn dịch với HIV ở Timothy.
Nguyễn Tâm (Theo Dailymail)
Thoe VTC News