Cập nhật: 02/04/2013 15:12:29 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều việc chúng ta có thể giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống, đó là sự yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ phù hợp…

Tự kỷ là chứng rối loạn phát triển kéo dài suốt đời. Đối với trẻ tự kỷ, không những chậm phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp và khả năng tập trung trong học tập, mà còn có những rối loạn về hành vi ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nếu không được can thiệp sớm và giáo dục thường xuyên sẽ dẫn đến những hậu quả xấu. Ở nước ta, số người mắc chứng tự kỷ có xu hướng tăng nhưng vẫn rất ít người được can thiệp sớm và giáo dục thường xuyên.

 

Chúng tôi tới một trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ ở Hà Nội, gặp một em bé 10 tuổi nhưng không đọc được những câu đơn giản do giáo viên hướng dẫn, mà chỉ nói những từ vô nghĩa và làm theo những gì em thích. Đó là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của chứng tự kỷ.

 

Tuy nhiên, chứng tự kỷ xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau, cũng có nhiều trẻ tự kỷ biểu hiện âm thầm và chỉ được phát hiện khi các em đến trường. Có em khi đi học mẫu giáo lớn mới có biểu hiện rối loạn mỗi khi nghe thấy tiếng vỗ tay.

 

Bé Đức Huy ở quận Đống Đa – Hà Nội, lên 10 tuổi gia đình mới biết là bị tự kỷ khi đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nếu nhìn vào khuôn mặt điển trai và nghe thoáng qua cách phát âm của Huy, không ai nghĩ rằng em bị tự kỷ. Chính vì chứng tự kỷ có nhiều đặc điểm đa dạng từ mức nhẹ đến mức nặng, nên không phải gia đình nào cũng phát hiện sớm những khuyết tật của con mình.

 

Chị Nguyễn Thúy Mai có con bị tự kỷ cho biết: “Khi bắt đầu cho cháu đi học mẫu giáo, cháu có biểu hiện khác các bạn cùng lứa tuổi như hiếu động đến mức mùa đông các bạn đang ngủ thì cháu lại bật quạt trần. Sau đó cho cháu đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương thì mới biết cháu bị tăng động, giảm chú ý. Năm đầu tiên cháu đi học lớp 1, mà 1 cộng 1 không biết bằng mấy”.

 

Đòi hỏi cả xã hội cùng vào cuộc

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là một trong những khuyết tật phổ biến nhất ở trường học, chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường. Báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số trẻ đến khám và điều trị tự kỷ ngày càng tăng. Trong khi đó, đến nay, ở nước ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về chứng bệnh này. Thêm vào đó, nhiều trường từ chối nhận trẻ tự kỷ và học phí tại hầu hết các trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ đều rất cao, đã khiến con đường hòa nhập với cộng đồng của các em càng hẹp hơn.

 

Ông Lê Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ hòa nhập (ở số 9 ngõ 17, phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho biết: “Một đặc điểm trong giáo dục người tự kỷ là can thiệp và giáo dục cả đời. Nếu can thiệp không đúng hoặc buông lơi của gia đình và cộng đồng, thì họ sẽ có thêm những hành vi mới không thể lường hết được. Can thiệp giúp người tự kỷ là cả một quá trình và đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng cùng tham gia”.

 

Ông Tuấn cũng cho biết, nhiều trẻ tự kỷ sau khi được can thiệp đã hòa nhập với học sinh bình thường, thậm chí nhiều em học giỏi. Để có được điều đó cần sự giúp đỡ rất tích cực của thầy cô giáo và bạn bè. Nhưng điều quan trọng hơn là Bộ Giáo dục – đào tạo, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu và đề ra những chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, giáo dục và hòa nhập.

 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng, mong muốn lớn nhất của các bậc cha mẹ có con tự kỷ là có được trợ cấp cho gia đình họ để giảm bớt gánh nặng kinh phí chi trả cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Họ cũng mong muốn ngành y tế có thêm nhiều bác sỹ nhi chuyên điều trị trẻ tự kỷ và tăng cường thêm các dịch vụ hỗ trợ cho các gia đình và trẻ tự kỷ, đặc biệt là chỉ ra những điều mà cha mẹ có thể làm cho trẻ tự kỷ”.

 

Giúp trẻ tự kỷ được can thiệp sớm và giáo dục suốt đời cũng là góp phần đảm bảo sự an toàn của xã hội. Tại Mỹ đã từng xảy ra nhiều vụ thảm án kinh hoàng, do người phạm tội trước đó mắc chứng tự kỷ nhưng chưa được phát hiện kịp thời, can thiệp và giáo dục liên tục.

 

Hiện khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa khỏi chứng tự kỷ, nhưng có nhiều việc chúng ta có thể làm, giúp người tự kỷ hòa nhập cuộc sống, đơn giản nhất là sự yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ phù hợp.

 

Đó cũng là thông điệp mà LHQ đưa ra trong Ngày Thế giới  nhận thức chứng tự kỷ (2/4) năm nay./.

 

 

 

Theo Văn Hải/VOV Online

Tệp đính kèm